“Chỉ 60% đơn vị được trang bị phù hợp”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với cổng Onet. Ông cũng thừa nhận, tình hình của lực lượng vũ trang Ukraine ở tiền tuyến rất khó khăn. Thế chủ động được chuyển từ bên này sang bên kia.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP |
Cũng theo ông Zelensky, gần 70% vũ khí lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng được chuyển giao từ phương Tây.
“33-34% vũ khí ở Ukraine là do chúng tôi tự sản xuất. Gần 30% là của châu Âu, khoảng 40% là của Mỹ”, ông Zelensky nói.
Một số diễn biến khác liên quan:
NATO chưa sẵn sàng tham gia chiến sự
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Baiba Braze, quân đội các nước NATO chưa sẵn sàng tham gia chiến sự ở Ukraine, cách tiếp cận của liên minh là hỗ trợ Kiev.
“Hiện tại, NATO chưa sẵn sàng tham chiến, bởi vì rõ ràng là liên minh đang hỗ trợ Ukraine. NATO cung cấp những gì cần thiết và không muốn tham gia vào cuộc chiến”, bà Braze nói trong cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Ukraine Kyiv Independent.
Theo bà, sự hiện diện có thể có của quân đội NATO tại Ukraine sẽ dẫn đến sự leo thang đối với châu Âu.
Trước đó, vào tháng 12/2024, Reuters đưa tin, các nước châu Âu đang thảo luận về việc gửi đội quân tới Ukraine trong trường hợp có lệnh ngừng bắn hoặc hòa bình, con số có thể lên tới 100 nghìn quân. Nguồn tin của Reuters cũng cho biết, Kiev đang tiến hành đàm phán về chủ đề này với các nước Scandinavi và Baltic.
Pháp nói gì về đàm phán hòa bình ở Ukraine?
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cho biết, Pháp phải tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về hòa bình ở Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Barrot được hỏi, liệu Pháp có sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể đàm phán.
![]() |
Lực lượng vũ trang Nga. Ảnh: RIA |
"Chúng tôi luôn nói rằng, nếu Ukraine muốn hòa bình thì đến một lúc nào đó Nga có thể tham gia vào các cuộc đàm phán, chúng tôi không có điều cấm kỵ nào về vấn đề này. Điều quan trọng là Pháp là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến an ninh châu Âu”, ông Barrot nhấn mạnh.
Cách Nga làm giảm năng lực công nghiệp quốc phòng Ukraine
Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, thông qua việc tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng hàng loạt cuộc tập kích quy mô lớn, quân đội Nga đang cố gắng hạn chế năng lực công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Trước đó, vào đêm 14, rạng sáng 15/1, quân đội Nga đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công cấp tập bằng tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Theo Không quân Ukraine, lực lượng Nga đã phóng 74 UAV loại Shahed và các UAV tấn công khác cùng 43 tên lửa vào Ukraine. Lực lượng phòng thủ Ukraine đã bắn hạ 23 tên lửa Kh-101/55SM, 3 tên lửa Kalibr, 4 tên lửa Kh-59/69 và 47 UAV, trong khi 27 UAV được cho “bị mất tín hiệu” và không đến được mục tiêu.
Rộ tin Nga-Ukraine bí mật đàm phán
Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay, Nga và Ukraine đang tổ chức các cuộc đàm phán tại Qatar về thỏa thuận nhằm ngăn chặn mối đe dọa đối với các cơ sở hạt nhân trong bối cảnh xung đột sắp bước sang năm thứ tư. Nguồn tin không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về các cuộc đàm phán.
Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin trên, trong khi đó nguồn tin từ Ukraine khẳng định hiện nay Kiev và Moscow chỉ đàm phán vấn đề liên quan đến trao đổi tù binh.
Trước đó, tháng 8/2024, Washington Post cho biết, Moscow và Kiev được cho là đang tổ chức các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian về khả năng tạm dừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng vào mùa hè năm đó. Đàm phán đã bị cản trở do Ukraine bất ngờ mở chiến dịch tấn công vào tỉnh biên giới Kursk của Nga.
Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ thông tin trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khi đó thông báo, 2 bên không thảo luận về cơ chế an ninh đối với cơ sở hạ tầng quan trọng.
Theo bà Zakharova, Moscow và Kiev đã không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào kể từ mùa xuân năm 2022 khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 nước sụp đổ vì Kiev bất ngờ rút lui.