Tổng thống Putin và những thách thức chờ đợi trong 6 năm tiếp theo Tổng thống Putin sắp thăm Triều Tiên Tổng thống Putin sẽ bàn về phát triển quan hệ đối tác chiến lược tại Việt Nam |
Tờ Vedomosti đã có bài viết tổng hợp về 10 lĩnh vực trọng điểm và ưu tiên phát triển của Nga đến năm 2030 được Tổng thống Putin trình bày tại diễn đàn này. Theo nhà lãnh đạo Nga, những lĩnh vực trọng điểm cần chuyển đổi cho đến đầu những năm 2030 đã được nêu trong Thông điệp liên bang ông đọc trước Quốc hội trong năm nay.
Thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu
Tổng thống Putin tuyên bố hỗ trợ cho xuất khẩu phi tài nguyên, với khối lượng xuất khẩu sẽ tăng ít nhất 2/3 vào năm 2030 so với năm 2023. Nga sẵn sàng mang lại cho các nước khác mối quan hệ đối tác công nghệ và công nghiệp, các dịch vụ đào tạo nhân sự quốc gia, nội địa hóa sản xuất, dịch vụ kỹ thuật…
“Cách tiếp cận hợp tác này - trên cơ sở bình đẳng, chuyển giao công nghệ và năng lực chứ không phải độc quyền - cho phép chúng ta thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn giữa các nước, tăng sự ổn định về vị thế của các doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu và mang lại cho họ cơ hội để hợp tác lâu dài với các đối tác nước ngoài”, ông Putin khẳng định.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn là một trong những bên tham gia chủ chốt trong thương mại toàn cầu.
“Mối quan hệ của Nga với các nước châu Á (tăng 60% từ năm 2020 đến năm 2023), Trung Đông (tăng gấp 2 lần), châu Phi (69%) và Mỹ Latinh (tăng 42%) đang được củng cố”, ông Putin cho biết.
Ông chủ Điện Kremlin nhắc lại, các nước thân thiện với Nga chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của nước này.
Kinh tế Nga đổi mới
Tổng thống Putin cho biết, cuối năm 2023, tăng trưởng GDP của Nga là 3,6% và trong quý I/2024 là 5,4%.
“Trong năm 2023, tăng trưởng được đảm bảo 45,5% ở các ngành cơ bản, như sản xuất, xây dựng, logistics, thông tin liên lạc, nông nghiệp, điện lực và các dịch vụ nhà ở và xã hội khác. Tăng trưởng ở các lĩnh vực cung ứng là 61,6%. Đó là thương mại, khách sạn và nhà hàng, tài chính và các lĩnh vực khác”, ông Putin nói,
Tuy nhiên, ông lưu ý, Nga hiện là nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới tính theo sức mua tương đương. Theo nhà lãnh đạo Nga, điều quan trọng là phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ổn định và chất lượng tăng trưởng trong dài hạn.
Sau gần 25 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy tài năng của một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất lịch sử nước Nga. Ảnh: RIA Novosti |
“Đến năm 2030, đầu tư vào vốn cố định sẽ tăng thêm 60% theo giá trị thực so với mức năm 2020”, Tổng thống Putin nhấn mạnh. Theo ông, trong những năm gần đây mọi thứ trong lĩnh vực này đều “diễn ra tốt đẹp”.
Năm 2021, kế hoạch tăng trưởng đầu tư là 4,5% nhưng con số thực tế là 8,6%. Năm 2022, kế hoạch là 9,5%, thực tế là 15,9%. Năm 2023, kế hoạch là 15,1%, nhưng thực tế lại là 27,2%, tức là gần gấp đôi kế hoạch”.
Để đạt được mục tiêu này, ngân sách của Quỹ Phát triển Công nghiệp và khối lượng cho vay của ngân hàng đối với các dự án chủ quyền công nghệ sẽ tăng gần gấp đôi. Hơn nữa, Putin lưu ý, nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư.
Chất lượng thị trường lao động
Tổng thống Putin đánh giá, hiện nay Nga có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là 2,6% và nếu 15 năm trước câu hỏi là tìm việc làm thế nào thì bây giờ câu hỏi là tìm nhân sự ở đâu. Do đó, nhiệm vụ là phải điều chỉnh lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu của thị trường lao động.
Ông cho biết, Nga sẽ đưa ra dự báo về nhu cầu nhân sự của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ lệ “việc làm tay nghề cao” sẽ tăng lên. Đồng thời, ông lưu ý không chỉ nhân sự trẻ mà cả các chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng rất quan trọng, Tổng thống hứa sẽ tiếp tục điều chỉnh lương hưu cho những người lao động sau tuổi hưu từ ngày 1/2/2025.
Tăng hiệu quả kinh tế
Tổng thống Putin cũng nói về sự cần thiết phải tăng năng suất lao động, kéo theo đó là nhu cầu tăng cường đầu tư và đổi mới doanh nghiệp. Đến năm 2030, Nga sẽ lọt vào top 25 quốc gia hàng đầu thế giới về mật độ robot hóa, đồng nghĩa với việc triển khai hơn 100.000 robot.
“Hơn nữa, việc sản xuất cần được phát triển nhanh chóng ở nước ta trên cơ sở công nghệ của chúng ta và chúng ta nhất định có cơ hội này”, ông Putin nhấn mạnh. Theo ông, mục tiêu đến năm 2030 là thu hút ít nhất 40% doanh nghiệp vừa và lớn trong các lĩnh vực cơ bản phi tài nguyên của nền kinh tế, cũng như tất cả các tổ chức nhà nước và thành phố trong lĩnh vực xã hội, tham gia các dự án tăng năng suất lao động.
Cách mạng nền tảng kỹ thuật số
Theo Tổng thống Putin, trong điều kiện đương đại, năng suất lao động liên quan trực tiếp đến số hóa và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng, đến năm 2030 cần tạo ra nền tảng số trong tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và xã hội.
Trong 6 năm tới, ít nhất 80% tổ chức của Nga trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế cần chuyển sang sử dụng phần mềm nội địa. Để đạt được mục tiêu này, một số biện pháp sẽ được đưa ra để hỗ trợ ngành công nghệ thông tin, bao gồm giảm thuế thu nhập 5% cho các công ty công nghệ thông tin của Nga, có hiệu lực đến năm 2030.
Ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế
“Trong 6 năm, chúng ta có kế hoạch trở thành một trong 10 nước hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển. Chi tiêu trong nước cho mục đích này sẽ tăng lên mức tối thiểu 2% GDP”, ông Putin cho biết.
Do đó, một số dự án quốc gia trong lĩnh vực chủ quyền công nghệ sẽ được triển khai trong các lĩnh vực như phương tiện sản xuất và tự động hóa, vật liệu mới, hóa học, dịch vụ vũ trụ, công nghệ năng lượng… Theo ông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh để các công ty đầu tư vào các sáng kiến giàu tri thức và có tầm nhìn dài hạn.
Tổng thống Putin đã nêu ra tầm nhìn cho nước Nga trong những năm tiếp theo, nhấn mạnh vào nhiệm vụ cải thiện đời sống người dân. Ảnh: RIA Novosti |
“Điều quan trọng là phải đảm bảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà phát triển Nga, cụ thể là chuẩn bị cho khả năng chuyển giao bằng sáng chế trong lĩnh vực phát triển khoa học từ người đặt hàng sang người sáng tạo ra”, Tổng thống Nga bảy tỏ.
Tăng cường vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Putin chỉ ra, hiện có 6,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nga. 6 năm trước, Nga đặt mục tiêu có 25 triệu lao động làm việc cho các doanh nghiệp nhóm này và giờ đây đã đạt được mục tiêu đó.
Theo nhà lãnh đạo Nga, nhãn hiệu riêng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2023, hơn 143.000 đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp. Ông đã chỉ thị Duma Quốc gia thông qua luật liên bang về hoạt động sáng tạo trong phiên họp mùa Xuân năm 2024 để hỗ trợ nhiều thương hiệu khu vực.
“Các điểm bán hàng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, cho phép người tiêu dùng ở các thành phố và thị trấn xa xôi tiếp cận nhiều loại hàng hóa khác nhau”, Tổng thống Putin nói.
Mở khóa tiềm năng các khu vực
Tổng thống Putin cho hay, vào năm 2025, các dự án quốc gia và chương trình nhà nước mới sẽ được triển khai để phát triển hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy các hoạt động thể thao văn hóa và cải thiện tình trạng môi trường của các thành phố và làng mạc ở Nga.
Ông cam kết sẽ nâng cao năng lực kinh tế của các khu vực. Đặc biệt, chính phủ đang thảo luận về kế hoạch chuyển cấu trúc cao tầng của các tập đoàn và công ty nhà nước lớn nhất sang các khu vực.
Tổng thống cũng nhắc lại việc lập quy hoạch tổng thể cho các thành phố ở vùng Viễn Đông và Bắc Cực. Ông cho biết, các chương trình sẽ được phê duyệt cho 200 thành phố nữa. Cần cải thiện cơ sở hạ tầng của các khu vực đã được phân bổ khoản vay ngân sách cho mục đích này. Bắt đầu từ năm tới, khối lượng các khoản vay sẽ được nâng lên, tăng ít nhất 250 tỷ ruble/năm. Ông cũng nhắc lại, 2/3 số khoản vay ngân sách trước đây hiện đang bắt đầu được xóa nợ.
Tăng thu nhập hộ gia đình
Tổng thống Putin tuyên bố: “Tất cả các công cụ phải được sử dụng để giải quyết vấn đề này, bao gồm các khoản trợ cấp cho các gia đình có trẻ em, khấu trừ thuế, trợ cấp xã hội”. Theo ông, công cụ chính là đảm bảo tăng trưởng tiền lương nhanh chóng.
Tổng thống nhấn mạnh, nếu Hiến pháp hiện nay quy định mức lương tối thiểu phải vượt mức đủ sống, thì trong tương lai nó sẽ gắn liền với sự tăng trưởng chung của tiền lương trong nền kinh tế.
“Bắt đầu từ năm tới, tỷ lệ giữa mức lương tối thiểu và mức lương trung bình mà phần lớn người lao động trong nền kinh tế của chúng ta nhận được sẽ được thiết lập. Vào năm 2025, mức lương tối thiểu sẽ bằng 48% mức lương trung bình, do đó sẽ vượt 22.000 ruble/tháng, tức là tăng khoảng 15%. Sau đó, tỷ lệ với mức lương trung bình sẽ được điều chỉnh tăng, để đến năm 2030, mức lương tối thiểu sẽ là 35.000 ruble/tháng trở lên”, ông Putin nói.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Theo ông Putin, các biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu này gồm: hỗ trợ tỷ lệ sinh và gia đình đông con, bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em, tăng khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc dài hạn cho người già và người khuyết tật, cải thiện hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng môi trường sống, tiến tới gia tăng tuổi thọ trung bình của người Nga.