Hôm nay, ngày 23/1, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Đức đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Tham gia đoàn có: Quốc vụ khanh, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Dorte Dinger; các Nghị sĩ: Hubertus Heil, Bộ trưởng Lao động và Xã hội; Tobias Lindner, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao; Michael Kellner, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu; Dorothee Bar, Phó Trưởng đoàn nghị sĩ đảng CDU/CSU; Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Jochen Flasbarth; Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner; cùng lãnh đạo, đại diện các cơ quan thuộc chính phủ và doanh nghiệp lớn của Đức.
Hôm nay, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Đức đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Ảnh TTXVN |
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, Tổng thống Frank- Walter Steinmeier sẽ dự Lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch trong ngày 23/1, dự kiến có các buổi hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo lịch trình, Tổng thống Frank- Walter Steinmeier sẽ tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như gặp gỡ các học viên, giáo viên, các đối tác tuyển chọn lao động để tìm hiểu chủ đề trao đổi lao động giữa Việt Nam và Đức.
Trong ngày làm việc thứ hai tại Việt Nam, Tổng thống Frank- Walter Steinmeier sẽ tới TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, ông và đoàn doanh nghiệp Đức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chủ đề trọng tâm là các triển vọng trong phát triển kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Đến tháng 10/2011, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, nâng tầm và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam - Đức.
Những năm qua, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã có rất nhiều doanh nghiệp Đức tận dụng tốt cơ hội và thành công tại thị trường Việt Nam. Với chính sách hợp tác rộng mở, Việt Nam luôn chào đón và tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh Đức đang hướng tới đa dạng hóa hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam sẽ là điểm đến rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư Đức cũng như châu Âu.