Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Nội dung chất vấn gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
SCB thuộc đối tượng kiểm toán độc lập
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh:quochoi.vn) |
Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc điển hình như ngân hàng SCB? Đây là vụ việc được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Đại biểu Mai Văn Hải chia sẻ, thông tin đại chúng cho thấy, nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB tuy nhiên không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Văn Hải, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, vụ việc SCB không thuộc phạm vi của kiểm toán nhà nước. Theo quy định SCB thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, trách nhiệm thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh:quochoi.vn) |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương quan tâm đến số lượng kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do vướng mắc chính sách pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, hiện nay, mặc dù một số kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đúng pháp luật nhưng thực tế không thể thực hiện được do đối tượng kiểm toán không còn khả năng thực hiện hoặc do vướng mắc chính sách, pháp luật. Theo đại biểu, vướng mắc khi xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro, yếu tố ngoại trừ khi đưa ra ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng báo cáo không cao.
Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong tổng số 1069 văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại 1345 báo cáo kiểm toán có tỷ lệ thực hiện được bao nhiêu? Trong 663 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tỉ lệ đã được xử lý như thế nào? Bao nhiêu kết luận, kiến nghị không thể thực hiện do vướng mắc chính sách pháp luật? Các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bất cập trên?
Trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán nhà nước được quyền đưa ra 4 loại ý kiến: (1) ý kiến chấp nhận toàn phần; (2) ý kiến chấp nhận loại trừ; (3) ý kiến trái ngược; (4) từ chối đưa ra ý kiến.
Đối với ý kiến loại trừ, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, theo chuẩn mực kiểm toán, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán nhưng lại ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước. Và báo cáo loại trừ xảy ra khi đơn vị được kiểm toán không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Đoàn Kiểm toán nhà nước có đủ bằng chứng đưa ra kết luận, kiến nghị của mình.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương (Ảnh:quochoi.vn) |
Về nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn liên quan đến vấn đề xử lý trách nhiệm sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm (2019-2023), kiểm toán nhà nước đã phát hành 1345 báo cáo, trong đó có 663 báo cáo đề nghị kiểm điểm trách nhiệm một số cá nhân liên quan. Qua theo dõi, hiện nay tỉ lệ bình quân thực hiện trách nhiệm chiếm khoảng 60%, còn trong 1069 văn bản đề nghị sửa đổi thì tỉ lệ tương đối thấp, bình quân khoảng trên 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tỉ lệ này đã được tăng lên. Theo đó, năm 2023 đã sửa được 78/277 văn bản, đạt 36%.
Kiên quyết loại bỏ những con sâu để giữ được đạo đức, chuẩn mực
Quan tâm đến trách nhiệm, giải pháp khắc phục kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện và kéo dài nhiều năm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được nêu trong Báo cáo là khá ấn tượng, trong đó nhất là việc thực hiện các kiến nghị tài chính đối với kiến nghị kiểm toán của nhà nước năm 2022, đạt được tỷ lệ là 92%... Tuy nhiên còn khá nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm. Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước cho biết nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế này và trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Kiểm toán nhà nước đã có những giải pháp gì để khắc phục?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh (Ảnh:quochoi.vn) |
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, nguyên nhân của tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện gồm có 4 nhóm nguyên nhân: Có nguyên nhân từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; bên thứ ba; bên kiểm toán và một số nguyên nhân khác.
Theo Nghị quyết 74 của Quốc hội, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Theo đó ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.
Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan. Riêng đối với các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đúng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đó tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán đạt như mong muốn.
Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Kiểm toán nhà nước kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực. Trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước. Trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ. Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.
Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định, cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành, tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ.