Lý do Tổng cục Thuế đưa ra chỉ đạo nêu trên, bởi mới đây, thông qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và công tác đấu tranh, cơ quan thuế đã xác định một vài doanh nhiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (phát triển nhà) và hoạt động thương mại ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, đã có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT với tính chất diễn biến rất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa khác nhau.
Theo Tổng cục Thuế, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi gian lận nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác. Trong đó, một số doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau, nhưng khi nhập khẩu thì khai báo giá trị rất thấp, còn khi xuất khẩu sản phẩm thì lại khai báo với giá trị rất cao, chênh lệch lên đến khoảng hơn 50 lần; một số doanh nghiệp khi xuất khẩu, mỗi lô hàng có trọng lượng chỉ vài kilogam đến vài chục kilogam, nhưng lại khai báo trị giá lên đến vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng, chênh lệch rất lớn so với giá trị thực xuất của sản phẩm.
Tổng cục Thuế cho rằng, những hành vi gian lận này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro liên quan đến việc các đối tượng mua bán hóa đơn trong thị trường nội địa sử dụng để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Cần tăng cường quản lý ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT. Ảnh minh họa |
Một số doanh nghiệp bán hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử, đều không có tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, hoặc thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, tên chủ doanh nghiệp hay người đại diện pháp luật, thông tin thay đổi về nơi đăng ký quản lý thuế..., nhằm lẩn trốn sự quản lý của các cơ quan chức năng. Tài liệu hồ sơ xuất khẩu hàng hóa như hợp đồng, hóa đơn, sổ kế toán, chứng từ thanh toán của các doanh nghiệp này không khớp đúng với bản chất kinh tế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT và các văn bản pháp luật hướng dẫn quản lý sử dụng hóa đơn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử thực chất không thực hiện giao dịch với phía đối tác nước ngoài, mà chỉ nhận phí hoa hồng đối với dịch vụ xuất khẩu. Có những trường hợp xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp đối tác mua hàng (bên nhập khẩu) không tồn tại hoặc là tồn tại bất hợp pháp tại nước nhập khẩu.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương nghiêm túc rà soát các doanh nghiệp kinh doanh nhóm hàng hóa có rủi ro cao về gian lận thuế GTGT (linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản...) để thanh tra, kiểm tra hoàn thuế, xử lý các vi phạm theo đúng pháp luật. Các cục thuế khi thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo qui định và đối chiếu hồ sơ thực tế, đánh giá bản chất các giao dịch, đối chiếu với các qui định pháp luât hiện hành để kịp thời phát hiện các vi phạm (nếu có), xử lý nghiêm minh các vi phạm theo đúng pháp luật. Khi kết thúc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, cục thuế các tỉnh, thành phố cần tập trung đôn đốc thu hồi tiền thuế GTGT và xử lý các vi phạm về thuế theo quy định.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế còn yêu cầu, trong quá trình các cục thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các chủ thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế nghiêm trọng, cần tiếp tục thu thập và củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý và chuyển hồ sơ đến cơ quan công an, kiến nghị khởi tố. Đồng thời, cần chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố nơi địa bàn công tác, nhằm có cơ sở và thuận lợi hơn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khác tại địa bàn để kịp thời kiểm tra, xác minh làm rõ các vi phạm. Cơ quan thuế các địa phương cần chủ động rà soát các trường hợp tương tự đối với các mặt hàng có rủi cao về hoàn thuế GTGT; công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế, có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp tương tự. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để trao đổi thông tin, xử lý các sai phạm của doanh nghiệp vi phạm.