Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu còn có những diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này đã bị lực lượng QLTT phát hiện và xử lý.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLphát biểu tại lễ ký kết |
Theo báo cáo của Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ đầu năm 2019 đến nay, đã kiểm tra 1.825 vụ, trong đó xử lý 673 vụ, tịch thu 32 cột đo xăng dầu, 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng…
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT – cho rằng, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, ngày nào cũng có vi phạm. Cụ thể, các vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, thể hiện ở 3 lĩnh vực. Thứ nhất, vi phạm về điều kiện kinh doanh, liên quan đến giấy phép, hệ thống, đại lý phân phối… Thứ hai, buôn lậu xăng dầu, QLTT cùng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng thường xuyên tăng cường phối hợp, thực hiện công tác chống buôn lậu, đặc biệt tuyến biển Đông Nam Bộ và biên giới phía Tây Nam miền trung. Thứ ba, trong 2 năm gần đây, gian lận thương mại về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng rất tinh vi, đặc biệt năm 2019, có vụ vi phạm nghiêm trọng về chất lượng ở Tây Nguyên. “Mặc dù chưa có quy chế phối hợp, nhưng với QLTT, xăng dầu là một trong những mặt hàng quan trọng trong trọng tâm, trọng điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường”- ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng phát biểu tại lễ ký kết |
Thông tin thêm về tình hình quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu của Petrolimex, ông Trần Huy Thảo – Trưởng ban Kinh doanh bán lẻ Tập đoàn Petrolimex - cho biết, trong những năm gần đây, Petrolimex chịu sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trên thị trường kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn và gas do sự gia tăng các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu mới, các sản phẩm dầu nhờn, gas mới xuất hiện trên thị trường. Bên cạnh đó có sự cạnh tranh bất bình đẳng như xăng dầu kém chất lượng, gas giả, dầu nhờn giả, giấy chứng nhận bảo hiệm giả, hàng lậu, vi phạm thương hiệu… Các hoạt động sang chiết gas không có giấy phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Hiện tượng buôn lậu xăng dầu, đặc biệt các khu vực ven biển vẫn diễn biến phức tạp. Thương hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ, nhưng được sử dụng tại nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống Petrolimex.
Đây là lần đầu tiên Tổng cục QLTT ký kết quy chế hợp tác với doanh nghiệp |
Trước tình hình trên, việc ký kết quy chế phối hợp là rất thiết thực trong thời điểm này. Bởi mô hình tổ chức của Tổng cục QLTT đã thay đổi, việc kiểm tra, cảnh báo trên toàn hệ thống được thuận tiện hơn rất nhiều. 1 dấu hiệu vi phạm của 1 tỉnh có thể lần ra đường dây, doanh nghiệp, thậm chí cả những vấn đề liên quan đến hóa chất pha chế.
“Ngoài ra, quy chế này giúp cho 2 bên hoạt động bài bản hơn. Tập đoàn cung cấp thông tin. QLTT có điều kiện triển khai ngay. Những quy chế này được ký, triển khai ở thời điểm đúng lúc, nhất là có những điều chỉnh về chính sách xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí, gas. Dự kiến, trong tháng 7, Thủ tướng sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 67 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí, gas”- ông Trần Hữu Linh cho biết thêm.
Ông Phạm Đức Thắng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex – kỳ vọng, với sự tham gia của lực lượng QLTT, quá trình kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu được hoàn thiện hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
“Việc ký kết ngày hôm nay giữa hai đơn vị mang lại ý nghĩa to lớn, giúp lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, nâng cao thương hiệu, đặc biệt, gần đây vấn đề vi phạm nhận diện thương hiệu nổi lên rất nhiều.”- ông Phạm Đức Thắng cho hay và cam kết, ngay sau khi Quy chế phối hợp thực thi, Petrolimex sẽ cùng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, triển khai chi tiết, chỉ đạo các đơn vị để có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên.
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Petrolimex - tặng hoa chúc mừng 63 năm Ngày truyền thống lực lượng QLTT |
Quy chế phối hợp giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex được triển khai dựa trên nguyên tắc, hai bên phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên; tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả của công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Đáng lưu ý, việc phối hợp hoạt động được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở hoạt động của Tổng cục QLTT và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực xăng dầu.
Hình thức phối hợp của Quy chế thông qua gặp gỡ trực tiếp, qua các phương tiện thông tin liên lạc, gửi văn bản (hai bên thống nhất lập phụ lục danh sách các đầu mối thường trực phối hợp gồm: đơn vị, tên, địa chỉ, số điện thoại…) kèm theo quy chế này.
Phối hợp tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp. Đồng thời xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể hàng năm. Đồng thời, có báo cáo định kỳ; tổ chức sơ kết, tổng kết việc phối hợp công tác theo quy chế này.