Tổng cục Hải quan được đánh giá là một đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Đến nay, ngành hải quan đã ứng dụng CNTT toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ để đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp, 100% các thủ tục hải quan đã thực hiện điện tử, 90% thủ tục hành chính hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức ở độ 4.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, cùng với xu thế của cuộc cách mạng 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi các ngành và các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, quản lý và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra tri thức và giá trị mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh, đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Mặc dù đi đầu trong ứng dụng CNTT, song hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan đã được phát triển từ nhiều năm trước, đến nay không đáp ứng được các yêu cầu về triển khai chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính.
Hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng tại Tổng cục Hải quan |
Để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan trong bối cảnh mới, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT mới hướng tới hải quan số và thông qua vào tháng 9/2021. Lãnh đạo Tổng cục hải quan, cho biết, việc hướng tới hải quan số là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển đổi số thông qua ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, khai thác các thành tựu mới nhất về công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh một cách toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối phù hợp với chuẩn mực quốc tế; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước.
Để ngành hải quan triển khai hệ thống CNTT mới hướng tới hải quan số, Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương cho ngành hải quan thuê dịch vụ CNTT. Theo đó, ngành hải quan sẽ thuê dịch vụ CNTT đồng bộ về phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số, đảm bảo an toàn thông tin của hệ thống. Bộ Tài chính yêu cầu hệ thống CNTT mới của ngành hải quan phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, quản lý hải quan thông minh, toàn diện đối với doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên có liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, triển khai thành công việc thuê dịch vụ CNTT để hướng tới thực hiện hải quan số, sẽ là một bước quan trọng trong việc xây dựng mô hình hải quan thông minh. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung trí tuệ, nhân lực, quyết liệt triển khai các công việc cần thiết để hoàn tất các thủ tục tiến tới đấu thầu thuê dịch vụ CNTT phục vụ hướng tới hải quan số đảm bảo tính khoa học, chắc chắn, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.