Việc áp dụng phần mềm CMIS 2.0 giúp minh bạch chỉ số điện
CôngThương - Hệ thống phần mềm dùng chung CMIS2.0
Sau khi nhân viên điện lực ghi chỉ số điện tại các hộp công tơ của từng hộ dân bằng thiết bị cầm tay HHU (nằm trong hệ thống đọc chỉ số công tơ từ xa qua sóng vô tuyến, được tích hợp vào bên trong công tơ), những chỉ số này sẽ được nhập vào hệ thống phần mềm CMIS2.0 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Sau đó, số liệu sẽ được truyền về Công ty Công nghệ thông tin điện lực Hà Nội để in và phát hành hóa đơn vào ngày hôm sau. Tất cả đều được thực hiện tự động bằng những công nghệ hiện đại và hầu như không thể xảy ra sai sót.
Hệ thống phần mềm quản lý thông tin và chăm sóc khách hàng dùng điện CMIS 2.0 là phần mềm dùng chung, được áp dụng thống nhất trên 63 tỉnh, thành phố toàn quốc, do Trung tâm công nghệ thông tin (EVNIT) thiết kế và xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong lĩnh vực kinh doanh điện, chăm sóc và dịch vụ khách hàng.
Thiết bị HHU nằm trong hệ thống đọc chỉ số công tơ từ xa qua sóng vô tuyến (RF), được tích hợp vào bên trong công tơ. Nhân viên ghi điện sử dụng thiết bị cầm tay này để ghi chỉ số công tơ và in giấy báo tiền điện, mà không cần phải trèo trụ hay vào nhà khách hàng. Việc ghi chỉ số điện từ xa đã giảm thiểu thời gian lập hóa đơn tiền điện cũng như đáp ứng nhanh với các yêu cầu của công tác báo cáo tổng hợp phục vụ quản lý điều hành cũng như cải thiện công tác chăm sóc dịch vụ khách hàng. |
Đại diện EVN Hà Nội cho biết thêm: Việc ứng dụng hệ thống phần mềm cho phép theo dõi và quản lý sát sao quá trình cung cấp của 25 dịch vụ điện trên nhiều kênh giao tiếp với khách hàng như tra cứu, in sao kê chỉ số, gửi sao kê chỉ số qua email/SMS, phúc tra chỉ số theo yêu cầu khách hàng, tra cứu thông tin, cách tính hóa đơn, gửi chi tiết hóa đơn qua email, web, internet,…; cũng như phân tích, đánh giá chất lượng của quá trình cung cấp dịch vụ dựa trên các tiêu chí như thời gian xử lý, kết quả xử lý…
Xuất hóa đơn tự động
Ông Nguyễn Thăng Quang - Phó trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội - khẳng định: Việc áp dụng phần mềm CMIS2.0 vào tính tiền điện và xuất hóa đơn là hoàn toàn tự động nên rất minh bạch. Theo ông Quang, EVN cũng đã cung cấp dịch vụ tra cứu hóa đơn tiền điện trên mạng internet, nếu người dân thấy hóa đơn sai lệch có thể tự kiểm tra và gửi đơn đề nghị kiểm tra chỉ số công tơ điện sẽ được phúc tra và giải quyết.
Bà Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chánh Văn phòng EVN Hà Nội - nhấn mạnh: Trong quá trình vận hành cung cấp điện, nếu có sự cố sai sót kỹ thuật, nghiệp vụ dẫn đến sai lệch về hóa đơn (sản lượng, tiền điện), khách hàng có thể tự kiểm tra và gửi đơn đề nghị kiểm tra chỉ số công tơ. Sau đó, các công ty điện lực sẽ tiến hành kiểm tra thực tế. Nếu có sai sót sẽ tiến hành lập lại hóa đơn đúng cho khách hàng, nếu sai do chất lượng công tơ thì sau khi kiểm định lại công tơ sẽ thực hiện truy thu hay thoái hoàn sản lượng tiền điện cho khách hàng.