Phong trào thi đua là “hạt nhân”
Tiền thân của Habeco ngày nay là nhà máy Bia Hommel do người Pháp xây dựng năm 1890. Ngày 15/8/1957, nhà máy sản xuất bia được tiếp quản với muôn vàn khó khăn và thử thách. Đến nay, Habeco đã có một chặng đường phát triển đầy chông gai xuyên thế kỷ gắn liền với những mốc thời gian thăng trầm của lịch sử để trở thành doanh nghiệp đồ uống lớn nhất của đất nước như hiện nay.
Song hành với dòng chảy lịch sử của Thủ đô, dòng chảy của bia Hà Nội - Habeco cũng được gìn giữ và nâng tầm một thứ đồ uống trở thành nét văn hóa - niềm đam mê của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung với những cái tên: Bia Hà Nội, Bia Hơi Hà Nội, Bia Trúc Bạch; Hanoi Bold; Hanoi Light… Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu đồ uống nổi tiếng nước ngoài vào Việt Nam, với nhiều giải pháp điều hành linh hoạt, đúng đắn cùng tổ chức tốt các phong trào thi đua sâu rộng đến từng người lao động, Habeco đã không chỉ vượt qua khó khăn mà còn đưa thương hiệu bia Hà Nội trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tổng giám đốc Habeco Ngô Quế Lâm cho biết, hàng năm, trên cơ sở nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Habeco chủ động phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, nhằm mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong 5 năm (2015-2020), Tổng công ty luôn chủ động phối hợp với các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn Công Thương Việt Nam phát động như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống các biểu hiện tiêu cực, phòng, chống các tệ nạn xã hội", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ, "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" và đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Điển hình, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm (2015-2020), có tổng số 463 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tháo gỡ nhiều khó khăn, làm lợi 18,624 tỷ đồng, tiền thưởng sáng kiến 7,127 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất hiện đại |
Bên cạnh đó, phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo” triển khai thường xuyên và được cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ hưởng ứng. Trong giai đoạn này, ghi nhận 10.066 người đạt lao động giỏi cấp cơ sở; 1.296 người đạt chiến sỹ thi đua cơ sở; 5.189 người đạt đoàn viên công đoàn xuất sắc; 3.745 lao động nữ đạt danh hiệu hai giỏi cơ sở.
Phong trào thi đua "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống các biểu hiện tiêu cực, phòng chống các tệ nạn xã hội" cũng được công đoàn Habeco phát động thường xuyên, có ý nghĩa rất quan trọng, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong CNVCLĐ. Phong trào "Xanh- Sạch- Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ" được các cấp công đoàn thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, 100% các đơn vị tổ chức phát động thi đua...
Theo ông Ngô Quế Lâm, phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, thực sự trở thành hạt nhân, “đầu tàu” trong phong trào thi đua yêu nước của Habeco. Qua đó, đã tạo nên khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất, kinh doanh. Phong trào thi đua ở các cấp công đoàn đã từng bước được đổi mới cả về nội dung và hình thức, khơi dậy tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của CNVCLĐ, rèn luyện ý thức, tổ chức kỷ luật, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp. Thông qua phong trào thi đua, đã động viên được đông đảo CNVCLĐ tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, góp phần làm nên thương hiệu Habeco ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đẩy mạnh thi đua đến từng người lao động
Năm 2020, mặc dù chịu tác động kép của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cũng như áp lực từ sự cạnh tranh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu đối thủ, song, Habeco đã nhanh chóng thích nghi tình hình thực tế, sự phát triển của thị trường, điều chỉnh chiến lược cũng như các phương án kinh doanh linh hoạt nhằm bằng mọi cách tháo gỡ những khó khăn, tiếp tục mở rộng thị phần trong nước cũng như quốc tế trong thời gian dài hạn...
Quang cảnh nhà máy sạch sẽ |
Bên cạnh đó, Habeco tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thi đua đến từng người lao động như: Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đoàn kết, năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất và công tác với "Năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao… Với sự nỗ lực không ngừng, thị phần của Habeco vẫn đang được phục hồi và mở rộng. Đây là kết quả đáng được ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Tổng công ty trong hành trình phát triển thương hiệu Habeco.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Cùng với việc xây dụng chiến lược kinh doanh phù hợp, trong giai đoạn này, Habeco tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua sâu rộng đến từng người lao động với mục tiêu: 100% đơn vị tổ chức tốt việc phát động phong trào thi đua; hàng năm, có trên 80% đoàn viên đạt danh hiệu đoàn viên công đoàn xuất sắc; trên 80% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" các cấp; duy trì phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ"…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Habeco tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ. Ông Ngô Quế Lâm khẳng định: Trong giai đoạn phát triển sắp tới, mang sứ mệnh “Habeco - Sức bật Việt Nam”, với sức mạnh to lớn từ năng lực, trí tuệ, tâm huyết của tập thể, Habeco tin rằng, sẽ thích ứng linh hoạt và phát triển ổn định với tình hình mới, giữ vững uy tín thương hiệu và lòng tin của người tiêu dùng cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm với cộng đồng để hình ảnh Bia Hà Nội luôn xứng đáng là một nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô, niềm tự hào của Việt Nam.
Ghi nhận sự nỗ lực thi đua lao động sản xuất của người lao động Habeco, trong giai đoạn 2015 - 2020, Habeco đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng với những con số ấn tượng: 1 Huân chương lao động hạng Nhì; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 9 Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 41 Cờ thi đua của Công đoàn Công Thương Việt Nam; 12 tập thể và 12 cá nhân nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 192 tập thể và 320 cá nhân nhận Bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam; 440 tập thể và 620 cá nhân nhận Giấy khen của Tổng công ty. |