CôngThương - Thừa thanh khoản
Dư thừa thanh khoản trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, ngay từ năm 2014, nhiều NHTM đã sớm tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi. Trong khối NHTM quốc doanh, Vietcombank giới thiệu rộng rãi gói vay ưu đãi với lãi suất 5%/năm dành cho doanh nghiệp xuất khẩu chuyển 50-70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua Vietcombank và cam kết bán ngoại tệ cho NH này.
BIDV triển khai gói 5.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm trong tháng đầu tiên hoặc 9,5%/năm trong 3 tháng đầu. VietinBank triển khai 2 chương trình ưu đãi khách hàng cá nhân cho vay mua nhà đất. Khối NHTMCP cũng hối hả trên đường đua cho vay ưu đãi với hàng loạt gói tín dụng lãi suất thấp. Chẳng hạn, TPBank dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp nhất 8%/năm đối với VNĐ, hoặc 3,8%/năm đối với USD trong 3 tháng đầu. OceanBank cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bằng USD với lãi suất chỉ 3%/năm…
Nhà nước đã có kế hoạch tăng đầu tư công trong năm 2014. Nếu việc đầu tư này được thực hiện tốt, vốn mới chảy vào nền kinh tế, tác động vào sức cầu, giải tỏa hàng tồn kho và việc làm, từ đó sức mua có điều kiện để cải thiện. Hơn nữa, khi tăng đầu tư công, cải thiện hạ tầng, sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài, tăng nguồn thu ngoại tệ để giảm áp lực đối với tỷ giá và có thể hỗ trợ xuất khẩu. TS. Trần Du Lịch |
Bên cạnh đó, các NHTM trên địa bàn TPHCM cũng đang tích cực tham gia các chương trình kết nối NH - doanh nghiệp với lãi suất 7-9%/năm và cho vay bình ổn giá lãi suất 6%/năm. Tổng giám đốc một NHTMCP cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn tăng gấp 6 lần tăng tín dụng nên NH đã giảm lãi suất huy động và dự kiến trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm lãi suất cho vay khoảng 1%.
Hiện thanh khoản NH đang rất dồi dào nên đã đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ. Thống kê của NHNN cho biết từ đầu năm đến nay các NHTM đã mua khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Đồng thời, các đợt phát hành tín phiếu NHNN cũng rất thành công. Chẳng hạn trong 2 ngày 26 và 27-2, NHNN bán được hơn 4.000 tỷ đồng tín phiếu.
Song song đó, Thông tư 02 sẽ không lùi thời hạn áp dụng, nên dự kiến năm nay các NH sẽ đẩy mạnh tiến độ bán nợ xấu và VAMC có thể mua được 70.000 tỷ đồng như mục tiêu. NH bán nợ xấu đồng nghĩa với việc trái phiếu đặc biệt sẽ tăng lên, vì vậy NH rộng thanh khoản hơn và muốn đưa dòng vốn ra thị trường, buộc lòng phải cân nhắc hạ lãi suất, đưa vốn rẻ nhiều hơn.
Nhưng khó hấp thụ
Lãi suất đang trên xu hướng giảm, tuy nhiên theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc kéo giảm lãi suất so với khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách. Hiện lạm phát đã được kiểm soát và kỳ vọng khả năng lạm phát năm 2014 sẽ ổn định ở mức 6-7%, thanh khoản của các NHTM dồi dào, lãi suất huy động của các NHTM được kéo giảm đồng thời mạnh dạn tung vốn rẻ, lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp.
Nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn này. Trong năm nay sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng thừa tiền - thiếu vốn, đặc biệt khi nợ xấu, sức mua, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Hiện nợ xấu mới được VAMC mua lại, còn việc xử lý vẫn chưa thực hiện nên khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn bị hạn chế.
Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn chưa vội vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mới. Do vậy, xu hướng lãi suất giảm trước mắt chỉ tác động đến tổng khối lượng tiền tệ, muốn tăng được tổng cầu phải căn cứ vào các yếu tố như chi tiêu của người dân, chi đầu tư của Chính phủ và một số yếu tố liên quan đến xuất, nhập khẩu…
Vì thế, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tín dụng đối với hệ thống NHTM lẫn doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn phải trông đợi Nhà nước làm “bà đỡ” cho nền kinh tế. Lạm phát 2 tháng đầu năm thấp chủ yếu do tổng cầu chỉ hồi phục ở mức yếu. Trong bối cảnh sức cầu còn yếu, việc tăng giá đầu ra sẽ rất khó khăn trong khi giá xăng tăng sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá đầu vào, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất doanh nghiệp cũng như tổng cung của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến sức hấp thụ tín dụng.
Một chuyên gia cho rằng, khó khăn đầu ra ở các NH nên khả năng NHNN sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 02 theo hướng chưa bắt buộc NH sử dụng kết quả phân loại của trung tâm Thông tin tín dụng CIC để phân loại các khoản nợ. Việc áp dụng được lùi tới năm 2015 và sửa đổi quy định các khoản nợ vi phạm quy định của pháp luật, hoặc quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phải được phân vào nợ xấu theo hướng phù hợp hơn.Đây là 2 điểm “khó khăn” nhất trong Thông tư 02, nếu được điều chỉnh sẽ làm giảm áp lực đáng kể lên con số nợ xấu của các NH. Trong khi đó, đứng từ góc độ doanh nghiệp, việc giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay tốt, sẽ giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp đang có những khoản vay được xếp hạng ở các mức khác nhau, bao gồm cả nợ xấu, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tiếp tục hoạt động, vượt qua khó khăn.