Thứ sáu 16/05/2025 03:09

Tôn vinh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam

Chiều 15/6, tại Đà Nẵng đã diễn ra Lễ tôn vinh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam- được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.   
Phần trình diễn ca Bài Chòi do các nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ Bài Chòi Sông Yên biểu diễn

Hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản văn hoá, động viên tinh thần của những nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian đã và đang có những đóng góp to lớn cho việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này,

Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng, có sự kết hợpp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Đây là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo, đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê Miền Trung nói chung và Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng. Bài Chòi ra đời đầu tiên là để thỏa mãn nhu câu vui chơi giải trí nhưng càng về sau, trên nhu cầu thẩm mỹ, văn nghệ, Bài Chòi đã lồng ghép các làn điệu dân ca vào trò chơi.

Trao bằng vinh danh Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể cho TP Đà Nẵng

Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 07/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Trong nhiều thế kỷ qua nghệ thuật Bài Chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân duyên hải Miền Trung trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Ngay tại TP Đà Nẵng, mỗi tối thứ 7 hàng tuần đều có hội Bài Chòi ngay bên bờ Đông cầu Rồng và mỗi hội Bài Chòi đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân và du khách thưởng lãm. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh, cùng với niềm tự hào, là trách nhiệm mà người dân thành phố Đà Nẵng cần phải thực hiện trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn loại hình nghệ thuật này, vì nó không còn là di sản riêng của địa phương hay quốc gia mà của toàn nhân loại.

Vinh danh các tập thể, nghệ nhân có những cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi

Để bảo tồn và phát huy di sản Bài Chòi, Sở VH & TT Đà Nẵng đã xây dựng chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Bài Chòi” trong đó chú trọng công tác truyền dạy, phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán, tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến di sản, mở rộng các hình thức mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy di sản. Bên cạnh đó, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn thành phố; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản Bài Chòi; Gắn bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi với hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản; Có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản này.

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra lễ trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi TP Đà Nẵng.

Vũ Lê