Vấn đề bức thiết
Chia sẻ tại Hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp” ngày 17/12 vừa qua, Đại tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, thống kê đến tháng 12/2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng và siêu cao tầng tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 3.335 nhà cao từ 10-29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên. Các công trình cao tầng, siêu cao tầng được sử dụng với nhiều mục đích, công năng đa dạng thường được đầu tư xây dựng dưới dạng các tổ hợp với nhiều tiện ích, công năng khác nhau. Trong tổng số 3.618 công trình cao tầng, siêu cao tầng có 1.106 nhà chung cư, chiếm 30,75%. 935 công trình là nhà nghỉ, khách sạn chiếm 25,8%; 747 nhà văn phòng chiếm 20,6%, 594 nhà công trình hỗn hợp chiếm 16,42%; 56 công trình giáo dục chiếm 1,55%. 64 bệnh viện chiếm 1,77%, 116 nhà có công năng khác chiếm 3,21%.
Với đặc điểm của nhà cao tầng là công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người, với đặc điểm về độ tuổi, nhận thức, sức khỏe khác nhau, cũng như việc bố trí mặt bằng, lối, đường thoát nạn phức tạp mà công trình cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn PCCC. Trong trường hợp xảy ra cháy, nổ sẽ gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản.
Mặc dù đã có những quy định của pháp luật về PCCC và các văn bản hướng dẫn (Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình và Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư ..) cùng với sự tích cực kiểm tra, giám sát, tuyên truyền của cơ quan chức năng nhưng vì nhiều lý do ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư, người dân còn hạn chế. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC; Sự phối hợp giữa các ban ngành vẫn còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thẩm định, thẩm duyệt, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, công tác thanh tra kiểm tra còn chưa được tốt.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo TS. Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST), một số quy định của pháp luật vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn, gây khó khăn cho công tác PCCC. Đơn cử như các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các nhà cao tầng trên 150 m vẫn chưa được xây dựng. Do đó việc thiết kế an toàn cháy cần dựa theo tính năng, quy mô của toà nhà, cũng như lưu ý vấn đề vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà nhằm đảm bảo an toàn thoát nạn cho người; hạn chế quy mô của đám cháy; báo cháy và chữa cháy kịp thời; thuận lợi cho việc tiếp cận và các điều kiện kỹ thuật để triển khai hoạt động chuyên môn của lực lượng chữa cháy.
Ở một số địa phương, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho tiếp cận cũng như triển khai hoạt động của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có cải thiện nhưng ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và tổ chức các hoạt động cứu hộ cứu nạn bằng máy bay trực thăng hiện nay ở Việt Nam nhìn chung còn vướng mắc về trang thiết bị cũng như các quy trình, thủ tục liên quan.
Hội thảo về phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng ngày 17/12/2021 |
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Quá trình đô thị hoá, dịch chuyển dân cư, người lao động, số lượng nhà cao tầng, nhất là chung cư ngày càng phát triển, do đó cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.
Theo Đại tá Bùi Quang Việt, để đảm bảo PCCC cho công trình cao tầng, cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC; Tăng cường phối trong việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép đối với các công trình xây dựng; thanh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trong công trình nhà cao tầng.
Góp ý thêm về PCCC, bà Vũ Kiều Hạnh – Đại diện Savills Hà Nội cho rằng, các chủ đầu tư cũng đã ý thức quan tâm tới các quy chuẩn PCCC. Tuy nhiên nhiều tòa nhà đã đưa vào vận hành nhưng hệ thống PCCC vẫn chưa được nghiệm thu, do đó đơn vị vận hành không dám nhận công trình để đưa vào vận hành. Với tính chất phức tạp của các công trình nhà cao tầng, nếu không thực hiện đầy đủ các quy trình bảo trì sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ.
Để bảo đảm công tác PCCC thì công tác tuyên truyền cần được đặc biệt quan tâm. Bởi người dân vẫn chưa đủ kiến thức, kỹ năng về PCCC. Do đó cần được mở rộng, lan truyền công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về an toàn phòng chống cháy nổ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thực hiện các quy định chi phí về việc phòng cháy chữa cháy. Hiện trên thực tế tỷ lệ người mua và sử dụng bảo hiểm cháy nổ cho các tài sản hiện còn rất thấp. Đây chính là quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng.
Công tác bảo trì hiện tại đang còn nhiều khó khăn do các chung cư xây dựng trước đây không có quỹ bảo trì. Cần xem xét đưa vào một nguồn ngân sách để thực hiện công tác bảo trì hệ thống PCCC.
Chung cư cao tầng bị cháy (Ảnh minh hoạ) |
TS. Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn.
Để việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân, người lao động và các chủ tòa nhà, công trình, việc tuyên truyền, huấn luyện PCCC phải được tổ chức, triển khai một cách thực chất, bằng các phương tiện, thiết bị, công nghệ tiên tiến ( ví dụ như công nghệ thực tế ảo VR), nhất là trong thời đại số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay.
Về mặt kỹ thuật, Th.S Cao Tiến Phú – Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng) cho biết, để đảm bảo an toàn cháy và chữa cháy tại các nhà xưởng sản xuất, trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng và các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp khác thì các công trình đó phải đảm bảo các yêu cầu thiết kế tuân thủ các quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kĩ thuật về: Kết cấu, kiến trúc; giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn PCCC, hệ thống PCCC (báo cháy, chữa cháy, chiếu sáng thoát nạn…). Đặc biệt trong công trình, các hệ thống đường ống kỹ thuật sàn, kết cấu tường, bộ phận ngăn cháy, đường ống vận chuyển khí cháy… là những vị trí yêu cầu cần sử dụng các vật liệu chống cháy, đảm bảo kết cấu có giới hạn chịu lửa đáp ứng yêu cầu. Vật liệu xây dựng được sử dụng ở các lớp bề mặt của kết cấu nhà, bao gồm: Lớp lợp mái, các lớp hoàn thiện của tường ngoài, của các gian phòng và của các đường thoát nạn cần hạn chế tính nguy hiểm cháy.
Hiện nay, nhằm đáp ứng các yêu cầu chống cháy trong lĩnh vực xây dựng hiện đại, các vật liệu chống cháy đảm bảo yêu cầu chống cháy toàn diện, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và các nguy cơ tác động đến tính mạng con người đã được nghiên cứu và phát triển rất đa dạng. Một số sản phẩm như: Vữa chống cháy, keo silicon chống cháy, băng keo chống cháy, sơn chống cháy, tấm vật liệu thạch cao chống cháy, tấm canxi silicat chống cháy, bông khoáng… đang là xu hướng an toàn được nhiều đơn vị tư vấn xây dựng và các nhà thầu xây dựng lựa chọn dùng để nâng cao tính chịu lửa của cấu kiện, bộ phận ngăn cháy trong công trình.