Mời gọi doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào TP. Đà Nẵng Doanh nhân ngành Công Thương góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ |
Việt Nam có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động
Phát biểu tại Toạ đàm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (Khóa XVI) về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, diễn ra sáng 27/9 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại tọa đàm |
Theo đó, lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” đã được xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013. Các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII và nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng đã xác định, đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân và được thực thi, tạo điều kiện thuận lợi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Nhờ những nỗ lực đó, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã ngày càng phát triển. Tính đến 31/12/2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người.
"Chúng ta đã có 6 doanh nhân lọt vào tốp "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25..." - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh
Đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời gian qua, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, tập thể trong nước hiện đóng góp khoảng 68% GDP, trên 70% nguồn thu ngân sách, thu hút 10,2 triệu lao động, tạo ra gần 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Về chính trị, doanh nhân tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, một số trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đã góp phần quan trọng trong việc góp ý, phản biện, xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Về xã hội, đội ngũ doanh nhân góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng... Chỉ riêng đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp cho từ thiện khoảng 3 tỷ USD...
Nâng cao chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng: Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.
Bên cạnh đó, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, trình độ học vấn của doanh nhân Việt Nam ở mức trung bình; thiếu tác phong kinh doanh chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm thương trường quốc tế; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn. Cụ thể, chỉ có một số ít là đủ vững mạnh để điều hành doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn lớn, các tổng công ty, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.
"Đội ngũ doanh nhân còn “ngại” đổi mới công nghệ, theo đuổi và phát triển công nghệ - kỹ thuật riêng, dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia chủ yếu ở công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng thấp" - TS. Cấn Văn Lực thông tin.
Đặc biệt, sự đoàn kết, ý thức hợp tác cùng phát triến giữa các doanh nhân chưa cao, chưa liên kết thành hệ sinh thái ngành để cùng cộng sinh khi vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt chưa có nhiều cải tiến rõ nét (đạt 52,69 điểm theo kết quả đánh giá của ban tổ chức cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2021); thua xa mức điểm bình quân khoảng 70-75 điểm của doanh nghiệp Thái Lan.
“Vẫn còn một bộ phận doanh nhân làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh; thiếu trách nhiệm với xã hội và người lao động; nợ bảo hiểm xã hội, không chú ý đến an toàn toàn lao động, bảo vệ môi trường”, TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.
Từ những hạn chế trên, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành và địa phương cần hoàn thiện, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp. Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch hơn; sớm có giải pháp quyết liệt, chấm dứt tình trạng ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp; lành mạnh hóa môi trường kinh doanh;
Xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu. Yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết, áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp được ban hành bởi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tiến tới bắt buộc thực hiện.
Với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp để trở thành một lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu; thúc đẩy văn hóa học hỏi, sáng tạo, học ngoại ngữ. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, phương thức điều hành; chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển, hoạt động đầu tư nghiên cứu, phân tích và dự báo nhằm chủ động thích ứng với các thay đổi bên ngoài. Tăng cường quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước đối với doanh nghiệp niêm yết, chú trọng công tác kế hoạch - chiến lược, quản lý rủi ro, quản lý kinh doanh liên tục, tăng khả năng thích ứng và chống chịu; chú trọng phát triển kinh doanh xanh, kinh doanh tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng; chủ động, tích cực đóng góp các ý kiến, đề xuất về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.