Thành công của Ðại hội là minh chứng cho điểm hội tụ của lịch sử, hội tụ uy tín của Ðảng, tầm nhìn và khát vọng của dân tộc, niềm tin của nhân dân vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Ðảng. Ðể đưa Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng vào cuộc sống, biến những quyết định của Ðại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế, cần sớm thể chế hóa nghị quyết thành pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
Trong những năm qua, Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật ngày càng lớn, chất lượng ngày càng nâng cao, hoàn thiện một bước quan trọng hệ thống pháp luật về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Ðảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về "tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch" 1; xử lý tốt những vấn đề phức tạp của thực tiễn. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, theo pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình trên thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp; đất nước đứng trước vận hội và cả những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trước tình hình đó, Ðại hội Ðảng XIII đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là "Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc" 2.
Theo đó, để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tập trung thể chế hóa nghị quyết trong việc xây dựng pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.Trong đó:
(i) Trước mắt triển khai thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng việc làm tốt công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đến các bước tiếp theo trong quy trình bầu cử… Từ đó để lựa chọn được những người tiêu biểu, xuất sắc tham gia quản lý nhà nước để góp phần biến Nghị quyết của Ðảng từng bước trở thành hiện thực…
(ii) Hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật về tổ chức bộ máy nhà nước trong thời gian tới nhằm cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước song song với việc tiếp tục duy trì cơ chế giám sát, kiểm tra giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa cơ quan ở Trung ương và địa phương. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, năng lực kiến tạo, phát triển của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước;
(iii) Hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, chế độ công vụ nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước;
(iv) Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, bổ trợ tư pháp nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;
(v) Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lấy phòng ngừa là chính.
Hai là, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết thành pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; tiếp tục cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của công dân; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân để người dân tham gia tích cực vào công việc của Nhà nước, tham gia ý kiến trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia giám sát cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền an sinh xã hội cơ bản cho người dân, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững đất nước. Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện an sinh xã hội, đồng thời mở rộng sự tham gia của toàn xã hội thông qua các cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đối tượng vào cung cấp dịch vụ an sinh xã hội.
Ba là, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết thành pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Ðại hội XIII… Trong đó: (i) Tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là pháp luật về các loại thị trường; (ii) Hoàn thiện pháp luật về các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư công và bảo đảm an toàn nợ công; (iv) Hoàn thiện cơ chế điều phối, quản trị các vùng kinh tế, xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển… phù hợp với mỗi vùng và liên kết vùng có hiệu quả, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương.
Bốn là, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết thành pháp luật về giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa, thông tin, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội… Trong đó: (i) Hoàn thiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện căn bản chất lượng nguồn nhân lực quốc gia theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; (ii) Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ; tạo khung khổ pháp lý hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, hình thành mạng lưới tổ chức trung gian là các sàn giao dịch công nghệ; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về công nghệ cao để phù hợp với các quy định mới ban hành, bám sát các xu hướng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) Xây dựng thể chế hướng đến gắn văn hóa, thể thao, du lịch với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa; (iv) Hoàn thiện pháp luật về y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, theo hướng bảo đảm để công dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; phát triển mạnh bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân; (v) Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số diễn ra nhanh.
Năm là, thể chế hóa Nghị quyết thành pháp luật về quốc phòng - an ninh quốc gia; về trật tự, an toàn xã hội. Trong đó: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh, thể chế hóa sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời, hải đảo; về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về an ninh phi truyền thống; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng, chống khủng bố, giữ gìn hòa bình thế giới;…
- Hoàn thiện pháp luật về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, về điều tra kỹ thuật số, bảo đảm gắn phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Quy định tội phạm mới đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; tiếp tục cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Sáu là, thể chế hóa Nghị quyết thành pháp luật về hội nhập quốc tế. Ðẩy mạnh việc rà soát, ưu tiên xây dựng các văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Chú trọng việc nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU...). Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương (nhất là các diễn đàn đa phương về pháp luật) và khu vực (nhất là Cộng đồng ASEAN) trên cơ sở các chủ trương về hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước. Trên cơ sở lợi ích quốc gia, tiếp tục nghiên cứu ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng quốc tế, sở hữu trí tuệ, thuế quan, bảo vệ môi trường... để khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Ðẩy mạnh hoạt động ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương về hợp tác pháp luật và tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
PGS,TS Ðinh Xuân Thảo
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp