Tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực sửa đổi
Tin hoạt động 05/08/2024 16:39
Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với EVN về Luật Điện lực sửa đổi Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi |
Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)” do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội phối hợp với Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá phản hồi từ các chuyên gia.
Tham dự và chủ trì hội thảo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; TSKH. Phan Xuân Dũng- Chủ tịch VUSTA, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy; đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; một số Cục, vụ thuộc Bộ; Đại diện một số Hội, Hiệp hội đến từ VUSTA; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp -Than khoáng sản Việt Nam; các chuyên gia đến từ một số trường đại học, Viện nghiên cứu…
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Việt Hiến) |
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ phải đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể đã đề ra yêu cầu “sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường”.
Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (trong đó lần sửa đổi năm 2023 về vấn đề giá điện mới có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện, đáp ứng mục tiêu triển khai các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện nay và trong quá trình hội nhập quốc tế.
Xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong giai đoạn tới, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cấp thiết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội thảo |
Dự thảo luật gồm 9 chương, 119 điều, được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (Trung ương, địa phương) trong xây dựng chính sách, quản lý ngành điện; cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện có bước phát triển tích cực, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối đủ điện cho phát triển đất nước, tuy nhiên bên cạnh kết quả tích cực còn hạn chế tồn tại, các nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, một số chỉ tiêu về an ninh năng lượng đã có diễn biến biến động thiếu tích cực… trường điện cạnh tranh, giá điện còn nhiều bất cập.
Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân trong đó có sự chưa đồng bộ, phù hợp của các quy định về mặt pháp luật, trong đó có Luật Điện lực.
Hội thảo lần này được tổ chức với mục đích để thu nhận thông tin, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ, ngành giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật trình Quốc hội.
Báo Công Thương tiếp tục cập nhật.