Hà Nội mở "đường dây nóng" ngăn chặn tình trạng hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện Phải cách ly tài xế Lexus hành hung shipper ra khỏi xã hội Vụ nữ sinh lớp 7 bị hành hung: Triệu tập 4 người |
Trong những ngày qua, mạng xã hội đã không khỏi bức xúc trước thông tin chị L.T.T.T, một nhân viên trạm Y tế xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), đã bị một nhóm 3 người lạ mặt hành hung ngay tại nơi làm việc vào tối ngày 11/2.
![]() |
Hình ảnh nhân viên y tế bị 3 người đàn ông vây đánh tại Gia Lai. Ảnh chụp màn hình |
Điều đáng nói là 2 trong số 3 đối tượng tấn công chị chính là bệnh nhân vừa được bác sĩ của trạm sơ cứu. Khi bác sĩ đề nghị bệnh nhân lên tuyến trên kiểm tra kỹ hơn, họ đã có lời lẽ thô tục, từ chối điều trị và sau đó, trong cơn say, nhóm người này đã hành hung chị T. khi chị lên tiếng nhắc nhở.
Sự việc không mới trong xã hội
Việc một cán bộ y tế bị hành hung ngay tại nơi làm việc không phải là trường hợp cá biệt, mà đã xảy ra không ít lần trong thời gian gần đây.
Ngày 18/2/2025, tại một nhà thuốc ở Hà Tĩnh, một người đàn ông đã tự ý di chuyển vào khu vực quầy bán thuốc và tấn công một nữ dược sĩ ngay cả khi cô đã té ngã và không thể phản kháng. Mặc dù đã có người can ngăn nhưng hành động của đối tượng vẫn tiếp tục.
Vào tháng 9/2024, tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), hai người đàn ông đã chửi bới, đe dọa và hành hung bác sĩ cùng nhân viên y tế khi người nhà của họ đang được cấp cứu. Các cơ quan chức năng sau đó đã vào cuộc điều tra và truy tố hình sự các đối tượng trên.
Tương tự, vào ngày 10/4/2024, một nhân viên tại Bệnh viện đa khoa Long An đã bị một nhóm thanh niên lạ mặt bất ngờ cầm ghế inox đánh gây thương tích, làm nhiều bệnh nhân điều trị tại đây hoang mang. Sau tin báo, Công an TP Tân An nhanh chóng có mặt, xác định 4 đối tượng trực tiếp thực hiện, trong đó có 1 thanh niên trong trạng thái đã sử dụng rượu bia.
Hành vi “ăn cháo đá bát”, trái với truyền thống dân tộc
Từ bao đời nay, dân tộc ta luôn đề cao tinh thần tôn trọng những người làm nghề y. Xuyên suốt lịch sử, nhiều danh y đã được nhân dân suy tôn và lập đền thờ vì những đóng góp to lớn trong việc chữa bệnh cứu người như Thiền sư Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…
Trong thời kì kháng chiến cứu nước, đã có hàng loạt các vị giáo sư, bác sĩ không ngại khó, vào tận sâu trong chiến trường cứu hộ cho các chiến sĩ, và thậm chí là hy sinh thân mình như Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Đặng Văn Ngữ… Thời điểm nước ta phải đối đầu với đại dịch COVID-19, chính những vị bác sĩ, nhân viên y tế chính là lực lượng tuyến đầu trong quá trình phòng chống đại dịch, bất kể tính mạng.
Chính vì vậy, những hành vi hành hung nhân viên y tế trong thời gian gần đây lại càng trở nên táo tợn, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại giá trị nhân văn lâu đời của dân tộc ta. Những hành vi này đòi hỏi xử lý nghiêm từ pháp luật và các lực lượng chức năng.
Cụ thể, theo khoản d Điều 134 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, tình tiết sẽ tăng nặng khi người bị thương tích là “người chữa bệnh cho mình”. Lúc đó, dù cho tỷ lệ tổn thương cơ thể nạn nhân dưới 11%, kẻ gây án vẫn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 114 Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Quốc hội thông qua năm 2023 cũng nêu rõ: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xã hội cũng cần nâng cao nhận thức về vai trò của nhân viên y tế và giáo dục ý thức tôn trọng, biết ơn những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ cứu người. Chỉ khi mỗi người dân hiểu được giá trị của các “chiến sĩ áo trắng”, vấn nạn bạo lực y tế mới có thể được đẩy lùi.
Hành động hành hung các cán bộ y tế như trường hợp của chị L.T.T.T là hành vi “ăn cháo đá bát”, trái với truyền thống của dân tộc. Ngoài việc xử lý nghiêm những hành vi trên, chúng ta cần giáo dục về công lao của các cán bộ trong ngành y tế, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi. |