Ảnh minh họa |
Cụ thể, ở lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp vận động người dân tham gia mô hình cánh đồng lớn, phát triển sản xuất tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhất là các cây trồng lợi thế đã xác định như lúa, ngô, lạc, mía, cây ăn trái, dừa, rau màu.
Do vậy, nông dân nên sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất, chất lượng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán từng bước chuyển sang chăn nuôi tập trung, trang trại theo quy hoạch. Ngành cũng khuyến khích chăn nuôi tập trung an toàn sinh học để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát được dịch bệnh…
Đối với lĩnh vực thủy sản, người dân phát triển nuôi theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại với các đối tượng mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao đảm bảo theo quy hoạch; trong đó tôm sú là đối tượng chủ lực có thể phát triển dài hạn. Các hộ nuôi phải chấp hành các quy định về môi trường.
Riêng trong khai thác thủy sản, cùng với việc hỗ trợ ngư dân phát triển tàu khai thác đánh bắt thủy sản công suất lớn, hiện đại, ngành nông nghiệp cũng vận động nông dân tham gia mô hình sản xuât tập thể trong khai thác, hậu cần nhằm tập trung sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và rủi ro.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành kêu gọi người dân thực hiện bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất quy hoạch rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển kinh tế bền vững tại các vùng ven biển, cửa sông của tỉnh; sản xuất nông lâm-ngư kết hợp, phát triển du lịch sinh thái, dưới tán rừng… góp phần ổn định chính trị-xã hội ở vùng ven biển của tỉnh.
Ở lĩnh vực diêm nghiệp, người dân sản xuất muối phải theo quy hoạch, ngăn ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm... Các hộ sản xuất từng bước chuyển dần sang sản xuất muối sạch, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với tái cơ cấu trong phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, ngành tập trung vào các nghề nông thôn có thế mạnh về nguyên liệu của địa phương.
Ngành nông nghiệp khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới trang thiết bị công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá mặt hàng để nâng cao giá trị xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế biến theo hướng thân thiện với môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngành hỗ trợ nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiếp cận các khoa học công nghệ hiện đại...
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài các chính sách ưu đãi của Trung ương, tỉnh Trà Vinh cũng thực hiện nhiều chính sách như: hỗ trợ chi phí sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh trong nhà lưới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng mới và cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái và cây dừa thành vùng tập trung.
Tỉnh cũng hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây trồng chuyển đổi hàng hàng năm trên đất lúa kém hiệu quả; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học và đệm lót sinh học; hỗ trợ nông dân xây dựng cánh đồng lớn…
Theo ông Trần Trung Hiền, tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình phát triển gắn với thay đổi quy mô sản xuất nhằm tạo ta các nông sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, từng bước hiện đại hoá nông nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, nông dân dễ tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, người dân còn dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; được đào tạo nghề và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao trình độ sản xuất…Từ đó, hiệu quả sản xuất tăng đáng kể, góp phần cải thiện mức sống của nông hộ.
Hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, giá trị sản xuất mỗi ha đất trồng trọt đạt 115,1 triệu đồng/năm, tăng 6,9 triệu đồng/ha so với năm 2013, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 46 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất mỗi ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 257 triệu đồng/năm (tăng hơn 50 triệu đồng/ha so với năm 2013), lợi nhuận bình quân đạt khoảng 75 triệu đồng/ha