Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ ngăn chặn đối tượng mang 1 triệu USD nhuộm đen ra nước ngoài |
Sáng 16/9, trao đổi với PV Báo Công Thương về vụ việc xuất lậu hơn 1 triệu USD nhuộm đen, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hải quan đang phối hợp với công an xác minh làm rõ sự việc.
Ngày 15/9/2022, Đội thủ tuc hành lý xuất - Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh) qua kiểm tra hành lý của khách xuất cảnh đã phát hiện và bắt giữ vụ việc 2 hành khách đi chuyến bay VJ803 khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok - Thái Lan xuất trái phép 1 triệu USD đã nhuộm đen.
Hình ảnh số ngoại tệ nhuộm đen bị thu giữ |
Số ngoại tệ này gồm 12 cọc (mỗi cọc gồm 10 tét; tổng cộng 10.518 tờ) giấy màu đen có in hình của đồng tiền mệnh giá 100 USD. Hai hành khách vận chuyển số ngoại tệ này là ông T.C.T (sinh năm 1972) và ông N.K.V (sinh năm 1976), đều Quốc tịch Việt Nam.
Qua hình ảnh soi chiếu hành lý, công chức Hải quan Đội thủ tuc hành lý phát hiện nghi vấn và đã yêu cầu 2 người khách trên xuất trình hành lý để kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra thực tế, mỗi người khách mang theo 01 va ly trong đó mỗi va ly có 06 cọc giấy phủ bằng hóa chất đen, có in hình của đồng tiền mệnh giá 100 USD, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, không nhìn thấy được số seri và các cọc tiền này được bọc bao ni lông bên ngoài.
Hiện tang vật đã được tạm giữ. Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã phối hợp với Công an quận Tân Bình để điều tra làm rõ vụ việc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, vào ngày xảy ra vụ việc, một cán bộ cơ quan chức năng đã có dấu hiệu can thiệp vào hành vi của hai hành khách này. Cụ thể, hai hành khách này mặc dù chỉ mua vé thường trên chuyến bay VJ803 của VietJet Air, nhưng không hiểu sau đó, họ lại được vào phòng chờ hạng thương gia?
Hơn nữa, theo quy định của hãng hàng không, hành khách chỉ được mang kiện hành lý xách tay với trọng lượng tối đa là 7 kg, tuy nhiên, kiện hành lý của các đối tượng vừa bị bắt trên lại vượt qua con số trọng lượng này. Đặc biệt, trong quá trình soi chiếu vali hành lý, vị cán bộ trên cũng xuất hiện và can thiệp với mong muốn được bỏ qua việc soi chiếu hành lý, nhưng các cán bộ hải quan với tinh thần trách nhiệm cao, kiên quyết xử lý sự việc đã không đồng ý và xử lý nghiêm minh.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện cơ quan công an quận Tân Bình đã chuyển vụ việc sang cơ quan an ninh điều tra của TP. Hồ Chí Minh xử lý. Qua những tình tiết trên, rất cần làm rõ vai trò của các lực lượng liên quan tại sân bay, làm rõ ai đã tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội bình luận về vụ việc, chúng ta cần kiểm tra để xác định xem đó là USD thật bị nhuộm đen hay không và sau đó làm mất màu thành tiền thật, để xử lý theo điều 189 Bộ Luật hình sự.
Cụ thể, điều 189, Bộ Luật Hình sự quy định về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới có nêu, người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
"Trong trường hợp, nếu tiền thật nhuộm đen không khôi phục được thì là tiền đã bị hủy hoại không có giá trị sử dụng thì không phải là tiền nữa. Việc hủy hoại tiền Việt mới bị xử lý còn với đồng USD thì xem ta có ký với Mỹ tương trợ tư pháp hay không, mới xử lý được theo luật pháp của Mỹ. Ngoài ra, USD hàng mã thì không có quy định xử lý, vì đó không phải tiền giả" - Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho hay.
Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 gửi tới phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu thực trạng: Buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ... gia tăng.
Từ những thông tin do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp, thời gian qua, cơ quan hải quan cũng đã điều tra, xác minh, đấu tranh, triệt phá thành công nhiều chuyên án, như các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ...
Những năm qua, tình trạng xuất lậu ngoại tệ ra nước ngoài rất đáng báo động. Có nhiều vụ vận chuyển trái phép qua biên giới hàng triệu USD của các đối tượng phạm tội nhằm che dấu, tẩu tán tài sản phạm tội hoặc rửa tiền…Theo đại án ngân hàng BIDV của cha con ông Trần Bắc Hà và các đồng phạm, Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, bị cáo buộc vận chuyển trái phép 10,4 triệu USD ra nước ngoài, hoặc rửa tiền. Tuy nhiên Tùng đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng chưa làm rõ nguồn gốc và cách thức bị can có được số tiền trên. Cơ quan điều tra, Bộ Công an tách hành vi này ra khỏi vụ án để điều tra, xử lý sau.
Trong vụ án đường dây đánh bạc qua mạng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, qua điều tra, cơ quan công an phát hiện nhóm đứng đầu tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền. Theo đó các đối tượng đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài. Trong đó, Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng ở Singapore…
Năm 2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng đã mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền gần 2.300 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Ất, Nguyễn Mạnh Dũng cùng hai tay chân của Dũng là An Thế Anh và Nguyễn Quốc Hiến đã có hành vi làm giả, mua, bán hồ sơ thương mại và trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài cho nhiều người nhằm thu lợi bất chính. Hồ sơ thương mại ở đây được làm giả theo hình thức hồ sơ xuất nhập khẩu, được các bị cáo sử dụng làm căn cứ thực hiện đủ các giầy tờ như giấy đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền, phụ lục hợp đồng… phục vụ cho việc chuyển tiền tại các ngân hàng.