Tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ trách nhiệm địa phương trước cái chết bé trai 4 tuổi tại trang trại hoạt động “chui” nhiều năm |
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 25/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ tai nạn đuối nước, làm tử vong đối với 32 trẻ em. Trong đó, có những vụ gây tử vong nhiều trẻ em như vụ đuối nước xảy ra trên sông Mậu Khê thuộc huyện Thiệu Hóa, khiến 5 học sinh lớp 6 thiệt mạng.
Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi hè về
Tai nạn đuối nước trẻ em luôn là nỗi lo đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã liên tục xảy ra nhiều vụ đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân cần tăng cường hơn nữa biện pháp phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em. Thời gian qua, các cấp chính quyền, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích vẫn xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt tai nạn đuối nước ở mức báo động.
Vụ việc thương tâm vừa xảy ra ngày 4/4/2022, khiến 5 thiếu niên 13 tuổi tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa tử vong do đuối nước |
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho thấy, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 25/5, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 23 vụ tai nạn đuối nước, làm tử vong đối với 32 trẻ em. Điển hình như vụ việc thương tâm vừa xảy ra ngày 4/4/2022, khiến 5 thiếu niên 13 tuổi tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa tử vong do đuối nước. Cụ thể, chiều 4/4, do không có tiết học ở trường, 5 học sinh Trường THCS Thiệu Duy rủ nhau đi tắm trên sông Mộc Khê tại vị trí giáp ranh giữa hai xã Thiệu Hợp và Thiệu Duy, dẫn đến đuối nước thương tâm.
Trước đó, tại huyện Hậu Lộc, khoảng 21 giờ 30 ngày 25/3/2022, các em T.T.V. (sinh năm 2009), Đ.T.T. (sinh năm 2010), M.T.B.Y. (sinh năm 2009), cùng trú tại thôn Chiến Thắng và P.T.K.V (sinh năm 2009), trú tại thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, các em đều là học sinh Trường THCS Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cùng ngồi trên một chiếc xe máy điện chạy từ xã Hưng Lộc về nhà. Khi đến con đường nội đồng thuộc thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc do trời tối, xe mất lái nên cả người và xe lao xuống mương nước sâu. Hậu quả đã khiến 3 em tử vong, một em học sinh ngồi sau văng sang bờ mương đối diện, may mắn thoát chết.
Trước thực trạng đuối nước ở trẻ xảy ra thời gian vừa qua, ông Vũ Huy Vượng, Trưởng Phòng trẻ em thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết: “Dự báo tình hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em trong thời gian tới có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn hạn chế, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng”.
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ
Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 934.926 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh). Trong đó, có 12.438 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm tỷ lệ 1,34%) và 104.256 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chiếm tỷ lệ 11,1%) trên tổng số trẻ em. Để hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước với trẻ em, ngày 15/4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 03 về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn.
Một nhóm học sinh ở xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) rủ nhau đi tắm ao, một em trong nhóm đã bị đuối nước. |
Bên cạnh đó, để bảo vệ an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, nhất là trong dịp hè, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em. Cụ thể, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống tai tai nạn đuối nước cho trẻ em; thường xuyên cảnh báo về các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giám sát trẻ em, nhất là trong dịp hè.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông, bãi tắm, các khu vực thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em; khẩn trương lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước trẻ em, làm rào chắn đối với các ao, hồ tại cộng đồng dân cư, các công trình công cộng; tích cực huy động, vận động các cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ em và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.