Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện trên địa bàn, với mục tiêu thúc đẩy sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Chuyển đổi số là biện pháp hữu hiệu để đạt được các mục tiêu đề ra.
Số hóa sản xuất nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững |
Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên - thông tin, trong thực hiện chuyển đổi số, Sở làm tốt công tác quản lý, nâng cấp và cấu hình thanh toán trực tuyến 88 bộ thủ tục hành chính phục vụ tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến. Qua phần mềm quản lý chất lượng nông sản, sẽ có giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn. Với sự trợ giúp của công nghệ, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do dịch Covid-19 giải quyết được đầu ra cho nông sản.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, cung cấp thông tin, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các hộ dân đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đã có 57.584 hộ dân được mở gian hàng và tài khoản thanh toán. Hơn 2 nghìn sản phẩm nông nghiệp đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó, có 128 sản phẩm “mỗi xã một sản phẩm”; hơn 60 nghìn hộ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng và hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận…
Ông Nguyễn Thanh Dương - Giám đốc Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương - khẳng định, chuyển đổi công nghệ, người làm chè quản lý sản xuất và tiêu thụ bằng thiết bị, thông qua các số liệu, công việc này rất đơn giản và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã có nhiều cửa hàng trực tuyến trên các chợ điện tử lớn nhất hiện nay như: Shopee, Tiki, Sendo, Aeon shop với hàng chục loại sản phẩm bán chạy. Cùng với sử dụng mã QR-Code, việc có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở sản xuất đã tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng...
Ý tưởng “Chăn nuôi trâu thương phẩm theo chuỗi giá trị” của bà Vũ Thị Hương (xóm Đền, xã Quân Chu, huyện Đại Từ) đã xuất sắc dành giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm “mỗi xã một sản phẩm”” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Mô hình trâu nuôi nhốt của gia đình bà Hương khép kín, quy mô tổng đàn 50 con, gồm 10 trâu mẹ, 2 trâu đực giống Mura, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Chủ động từ nguồn giống, trồng cỏ chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt và sản phẩm giò, thịt sấy…, gia đình bà đã sử dụng rất hiệu quả các tiện ích của công nghệ số. Đây cũng chính là mô hình nông nghiệp tuần hoàn hướng đến sự phát triển bền vững.
Việc bán sản phẩm trực tuyến không chỉ nhằm tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp kết nối người bán và người mua, mỗi sản phẩm giới thiệu ra thị trường đều có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản… cụ thể, tỉ mỉ và nhận sự phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng. |