Thái Bình dành hơn 256ha quy hoạch Khu công nghiệp Thụy Trường |
Về dự hội nghị "Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc" có các đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Hội nghị "Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc" diễn ra sáng 6/7 |
Về phía tỉnh Thái Bình có sự tham dự của ông Ngô Đông Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND và ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện toàn thể lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh.
Trong khi đó về phía Hàn Quốc có sự tham dự của ngài Park Noh Wan, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và gần 100 doanh nghiệp của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Trên cơ sở kết quả diễn đàn hợp tác đầu tư, việc tỉnh thái Bình chủ động với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức hội nghị "Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc" là sự kiện hết sức có ý nghĩa trong việc kết nối các nhà đầu tư đến với Thái Bình. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc chào mừng kỷ niệm 30 năm quan hệ giữa Việt nam và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hai nước còn rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển".
Đối với Thái Bình đối với sự năng động sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm của Chính phủ, bộ ngành, những năm qua việc thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh càng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là Hàn Quốc. Thời gian gần đây ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc về với Thái Bình.
Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội nghị |
Hiện Thái Bình cũng có nhiều lợi thế về giao thông, hạ tầng, quỹ đất. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã về thăm Thái Bình thể hiện sự quan tâm sâu sắc và mở ra nhiều quyết sách cho sự phát triển của Thái Bình. Về phía Quốc hội, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư nói chung và tại Thái Bình nói riêng.
Phát biểu về những tiềm năng lợi thế của Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: "Hội nghị "Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc" được tổ chức tại Thái Bình là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, phát triển mới, quan hệ mới trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và giữa tỉnh Thái Bình cùng các đối tác Hàn Quốc nói riêng".
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, văn hóa Thái Bình vừa mang nét đặc trưng của nền văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam, vừa có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa của dân tộc Hàn Quốc. Người Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung giống người Hàn Quốc đều là hòa ái, thân thiện, cần cù, sáng tạo, ham học hỏi và yêu chuộng hoà bình.
Đối với tỉnh Thái Bình, Hàn Quốc luôn luôn là đối tác tin cậy, quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay có 26 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 128 triệu đô la. Con số này chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên nhưng chúng tôi vui mừng nhận thấy ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư tại Thái Bình.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình |
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Bình đạt 6,68% đứng thứ 14/63 tỉnh, thành. Hiện đã có 89 dự án với tổng mức vốn đầu tư trên 20.041 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với năm 2020, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng vốn 540 triệu đô. Hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đã hoạt động trở lại bình thường sau đại dịch, đặc biệt là sản xuất công nghiệp tăng 18,2%.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho rằng, dư địa, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc và tỉnh Thái Bình còn rất lớn. Bởi Thái Bình có lợi thế rất lớn về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 8 khu công nghiệp (trong đó có 2 khu công nghiệp trong khu kinh tế) và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 7 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn sàng chào đón đầu tư.
Đặc biệt nổi bật và hấp dẫn là Khu kinh tế ven biển Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với diện tích là 30.583 ha với 22 khu công nghiệp với diện tích 8.020 đất công nghiệp (trong đó, Khu công nghiệp Liên Hà Thái là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập trong Khu Kinh tế ven biển với diện tích 588 ha đã giải phóng mặt bằng và đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ) cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và của tỉnh đã bàn hành là địa chỉ lý tưởng của nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chủ động bố trí quy hoạch quỹ đất xây dựng những nhà ở công nhân lao động, chuyên gia, khu vui chơi giải trí...tại Khu kinh tế, các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Đặc biệt, Thái Bình còn có lực lượng lao động trẻ, dồi dào được đào tạo... Đồng thời với những lợi thế về vị trí địa lý, kết nối giao thông, nguồn lực, năng lượng, quỹ đất dành cho công nghiệp...tỉnh Thái Bình khẳng định còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để hợp tác và Thái Bình là điểm đến thuận lợi, thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tại hội nghị lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng giải đáp các ý kiến của nhà đầu tư Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào Thái Bình về kế hoạch phát triển giao thông, khả năng huy động, cung cấp dịch vụ tài chính, các chính sách thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, các chính sách thu hút đầu tư của Thái Bình trong thời gian sắp tới.
Trong khuôn khổ của hội nghị tỉnh Thái Bình đã công bố quyết định thành lập Tổ công tác xúc tiến đầu tư Hàn Quốc Korea Desk. Đồng thời, Thái Bình cũng tổ chức trao Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng cho các công ty Hàn Quốc.
Về dự hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu. Báo Công Thương sẽ trích đăng trên Báo Công Thương điện tử.