Mới đây, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình vừa thông báo đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Yuan Long International Limited (Thái Lan) để triển khai dự án xây dựng nhà máy Yuan Long Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án nhà máy Yuan Long Việt Nam có tổng vốn đầu tư là 120 triệu USD, tập trung vào sản xuất quạt trần và linh phụ kiện quạt trần và dự kiến sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào quý IV/2025 cũng như hoàn thành giai đoạn 2 vào quý IV/2028. Dự án sẽ có diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 156.000 m² tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái; trong đó, giai đoạn I là 98.000 m², giai đoạn II là 58.000 m². Công suất thiết kế của toàn bộ dự án: quạt trần 4,2 triệu sản phẩm/năm, tương đương 25.200 tấn/năm; mô tơ quạt trần 1,2 triệu sản phẩm/năm, tương đương 1.800 tấn/năm; cánh quạt trần các loại 1,8 triệu sản phẩm/năm, tương đương 2.700 tấn/năm.
Theo dự kiến, khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy có thể đạt doanh thu 3.200 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 269 tỷ đồng/năm sau thời gian ưu đãi và tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái sắp có thêm dự án trị giá 120 triệu USD đến từ nhà đầu tư Thái Lan. Ảnh: Nam Hồng |
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp tại Thái Bình đạt 727 triệu USD, trong đó có 25 dự án mới với vốn đăng ký lên đến 660 triệu USD.
Một số dự án tiêu biểu, có quy mô lớn đã và đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh bao gồm: Dự án nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn gần 2 tỷ USD; dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình do liên doanh Geleximco - Chery làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 800 triệu USD hay dự án nhà máy sản xuất Amoniac của Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin với tổng mức đầu tư gần 6.500 tỷ đồng...
Tính chung trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong 10 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 958,02 triệu USD, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm trước, với 34 dự án đầu tư mới được cấp phép. Nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư hiệu quả, Thái Bình đã vươn lên vị trí thứ 11 toàn quốc về thu hút FDI, khẳng định tiềm năng và sức hấp dẫn của tỉnh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam.
Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan nhà nước được tăng cường; đồng thời, tổ chức thành công các đoàn công tác của tỉnh Thái Bình đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và làm việc với các đoàn công tác, các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thái Bình.
Các dự án trên không chỉ tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư của Thái Bình, khẳng định vai trò quan trọng của địa phương trong bức tranh phát triển kinh tế khu vực phía Bắc.