Với mong muốn đưa quả na Đông Triều đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực đưa loại trái cây này lên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội.
Hiện thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang có trên 2.000 ha trồng cây ăn quả. Trong đó, vùng trồng na chiếm gần 890ha, tập trung tại các xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê với năng suất 125 tạ/ha, sản lượng khoảng 11.120 tấn/năm, mang lại khoảng 200 tỷ đồng doanh thu cho các hộ dân.
Người trồng na ở Đông Triều có thêm kênh phân phối sản phẩm |
Na dai Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu và thường chín sớm hơn so với na ở những khu vực khác. Do đó, na chín đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Na Đông Triều đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh na Đông Triều tiêu thụ tại một số tỉnh như: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa... Song song với phương thức bán hàng truyền thống, hiện thị xã Đông Triều đã xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của địa phương là Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn).
Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh xây dựng và đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử riêng. Sở Công Thương Quảng Ninh cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về công nghệ thông tin, cách thức bán hàng online để nông dân có thể tự kết nối với các sàn tiêu thụ nông sản thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Cuccu, DongTrieu Mart…), sử dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo để tiếp cận, bán hàng trực tiếp cho người tiêu thụ.
Việc đưa sản phẩm na Đông Triều tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử giúp những người trồng na địa phương này thêm một kênh phân phối hàng hóa không qua các khâu trung gian và thu được lợi nhuận cao hơn.
Để sản phẩm na dai Đông Triều có thương hiệu, phát huy được hết giá trị, từ năm 2018, thị xã Đông Triều phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được trên 300ha, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể. Theo đó, quả na dai sau thu hoạch được dán mã QR, đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ vào các kênh thương mại uy tín trong nước, nâng cao giá bán sản phẩm, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện, nhiều vườn na cũng đang chuyển hướng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng giá trị của sản phẩm.
Ông Đỗ Ngọc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, để cây na tiếp tục phát triển, tăng giá trị kinh tế và liên kết theo chuỗi, bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà phân phối và người nông dân, cùng hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chính quyền thị xã Đông Triều cho biết, thời gian tới, sẽ xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất, nhằm đẩy nhanh việc tiêu thụ nông sản. Từ đó, giúp người nông dân có thể từng bước chủ động bán nông sản.
Quảng Ninh đang tích cực đưa nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. |