Thủ tướng Séc thăm nhà máy ô tô Škoda tại tỉnh Quảng Ninh Hội nghị kết nối giao thương TP. Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh |
Ngày 28/4, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương DDCI Quảng Ninh 2022, giải pháp cải thiện bền vững trong thời gian tới.
Theo công bố về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quảng Ninh giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 01/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt 72,95 điểm (giảm 0,07 điểm so với năm 2021). Với kết quả trên, tỉnh Quảng Ninh duy trì 06 năm liên tiếp xếp thứ 01/63 và 10 năm liên tiếp trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại
Năm 2022, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Quảng Ninh đạt 7,57 điểm, tăng 0,18 điểm và tăng 08 bậc, xếp thứ 07/63 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc (năm 2021 đạt 7,39 điểm, xếp thứ 15/63). Trong tổng số 14 chỉ tiêu thành phần, tỉnh Quảng Ninh có 07/14 chỉ tiêu tăng điểm và tăng hạng; 01 chỉ tiêu tăng điểm nhưng giảm hạng; 02 chỉ tiêu giảm điểm nhưng tăng hạng và 04 chỉ tiêu giảm điểm và giảm hạng như: Số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quảng Ninh là 15 ngày (giảm 15 ngày so với năm 2021), đứng thứ 4 toàn quốc; Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch là 10,81% (giảm 15,28% so với năm 2021); Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai là 33,33% (giảm 25% so với năm 2021)….
Quang cảnh hội nghị |
Theo tỉnh Quảng Ninh, năm 2022 là năm có nhiều biến động về quy hoạch đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch chung cấp huyện… dẫn tới việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính của một số nội dung phức tạp, đòi hỏi sự kết nối trao đổi thông tin giữa nhiều ngành và địa phương, nhiều thủ tục phải tổ chức hội đồng thẩm định, kiểm tra thực địa, lấy ý kiến địa phương nên thời gian dài hơn theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu về đất đai chưa được hoàn thiện, công tác cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế và chưa kịp thời. Chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn có điểm chồng chéo và chưa theo kịp thực tiễn phát triển. Công tác quản lý dự án, thu hồi đất dự án gặp nhiều khó khăn do thực tế phức tạp như việc thiếu hợp tác của chủ đầu tư. Công tác xây dựng bảng giá đất có thể bám sát giá thị trường gặp rất nhiều khó khăn…
Môi trường kinh doanh minh bạch hơn
Năm 2022, chỉ số Tính minh bạch của tỉnh Quảng Ninh đạt 6,64 điểm, tăng 0,33 điểm và tăng 08 bậc, xếp thứ 07/63 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc (năm 2021 đạt 6,31, xếp thứ 15/63). Trong số 17 chỉ tiêu thành phần, tỉnh Quảng Ninh có 08/17 chỉ tiêu tăng điểm và tăng hạng; 01/17 chỉ tiêu tăng điểm nhưng giảm hạng và 08/17 chỉ tiêu giảm điểm và giảm hạng.
Các chỉ tiêu cải thiện điểm điển hình như: Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng Thông tin trên website của tỉnh về các quy định về thủ tục hành chính là hữu ích đạt 70,53% (tăng 31,29% so với năm 2021); Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng Thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh đạt 32,24% (giảm 9,04% so với năm 2021), đứng thứ 2 toàn quốc; Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp doanh nghiệp giảm được số thuế phải nộp là 19,78% (giảm 9,19% so với năm 2021) đứng đầu toàn quốc; Chất lượng website của tỉnh đạt 62,12 điểm (tăng 13,79 điểm so với năm 2021), đứng thứ 3 toàn quốc…
Chuyên gia PCI phân tích kết quả PCI tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và giải pháp khuyến nghị trong thời gian tới |
Nguyên nhân được tỉnh Quảng Ninh xác định là do vẫn có những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác đầu thầu do pháp luật còn có điểm bất cập, hạn chế như quy định về một số hoạt động mua sắm đấu thầu, lựa chọn nhà thầu chưa được quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ trong luật; một số vụ án lớn về đấu thầu vừa qua có thể ảnh hưởng tới nhìn nhận, đánh giá của doanh nghiệp đối với tính minh bạch trong đấu thầu. Việc tiếp cận một số tài liệu của các doanh nghiệp còn bị hạn chế, một số văn bản chưa đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử; chưa thúc đẩy mạnh mẽ giao dịch trực tuyến giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người dân nên cơ hội tiếp cận thông tin của doanh nghiệp chưa cao. Chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành, địa phương trong Tỉnh...
Đáng chú ý, điểm số và thứ hạng của chỉ số Chi phí không chính thức vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn của cán bộ công chức khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, hiện tượng “chi phí bôi trơn” trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Năm 2022 có rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các ngành nghề khác nhau đã được xử lý, kéo theo nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật. Do đó, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và định hướng của doanh nghiệp khi đánh giá phiếu khảo sát. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn có trường hợp một số công chức kỹ năng giao tiếp, thuyết trình còn chưa tốt, dẫn đến doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình khi làm việc với các Đoàn thanh tra, kiểm tra…
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 72.95 lên 73.98 điểm, tăng 1.03 điểm so với năm 2022. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 06 chỉ số trong top 05/63 (Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Tính năng động, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự), trong đó, chỉ số Đào tạo lao động tiếp tục dẫn đầu cả nước và 04 chỉ số trong top 10/63 (Chi phí Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian và Cạnh tranh bình đẳng). Đồng thời, ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 03 chỉ số: Chi phí không chính thức, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.
Về chỉ số DDCI, theo ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Hoạt động đối thoại doanh nghiệp tại địa phương là một điểm sáng trong năm vừa qua. Tỷ lệ doanh nghiệp được mời tham gia các chương trình đối thoại doanh nghiệp của chính quyền địa phương đã tăng từ 36% năm 2021 lên 41% năm 2022. Có 96% doanh nghiệp ghi nhận Chất lượng của hoạt động đối thoại của chính quyền địa phương đã có sự cải thiện hơn so với năm trước.
Tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ các cơ quan chính quyền địa phương giảm chỉ còn 6% (năm 2021 là 10%); ở khối Sở, ban, ngành giảm còn 4% (năm 2021 là 5%).
Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân trung bình của các địa phương theo kế hoạch năm 2022 đạt 89,6%, tăng đáng kể so với tỷ lệ giải ngân 80,7% năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trung bình toàn tỉnh đạt 17,2% năm 2022 (năm 2021 là 10,4%).
Năm 2022 VCCI chính thức triển khai điều tra Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI 2022. Chỉ số PGI được công bố thường niên và sẽ trải qua một lộ trình thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển, với mong muốn đây sẽ là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2022, chỉ số PGI tổng thể của tỉnh Quảng Ninh đạt 17.12 điểm, xếp thứ 04/63. Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tiếp tục duy trì vị trí trong Top 5 cả nước về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), trong đó, mục tiêu tăng điểm và tăng hạng chỉ số PGI tổng thể. |