Tỉnh Lâm Đồng: Động lực bứt phá mới sau sáp nhập

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng xác định văn hóa, du lịch, thương mại sẽ là ba trụ cột tạo nên sự bứt phá mới, mạnh mẽ cho địa phương.
Lâm Đồng: Chào đón vị du khách đặc biệt thứ 10 triệuLễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Lâm ĐồngSản vật cao nguyên Lâm Đồng sắp hội tụ tại Hà Nội

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025 tại Hà Nội, sáng ngày 17/5. Diễn đàn quy tụ sự tham gia của nhiều cơ quan trung ương, địa phương, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Việc tổ chức diễn đàn nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư trong ba lĩnh vực văn hóa, du lịch và thương mại của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn mới. Kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị lữ hành và tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước. Thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Lâm Đồng và các địa phương, đặc biệt là khu vực phía Bắc, trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng và chiến lược phát triển bền vững.

Diễn đàn Kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025
Diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025. Ảnh: Kiên Nguyễn

Không gian phát triển mới tiềm năng

Lâm Đồng là nơi hội tụ giữa thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa sắc màu và những khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Với trung tâm là thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng không chỉ là “trái tim” của du lịch Tây Nguyên mà đang từng bước định hình vai trò là cực tăng trưởng xanh, sáng tạo, thân thiện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ hợp nhất ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông.

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có không gian phát triển rộng lớn với quy mô diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (trên 24.230 km2), quy mô kinh tế nằm trong top 10 cả nước, hội tụ đủ các yếu tố “biển - rừng - biên giới - hải đảo”, sở hữu tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nền văn hóa đặc sắc, nhiều danh lam thắng cảnh, khí hậu đa dạng.

Ngoài ra, Lâm Đồng còn là địa phương có sản lượng nông sản đứng đầu cả nước, đồng thời có dư địa lớn về phát triển năng lượng tái tạo, chế biến sâu và logistics liên vùng. Bên cạnh đó, theo trục Đông - Tây, tỉnh Lâm Đồng mới vừa có đường biên giới với Campuchia và vừa giáp biển.

Diễn đàn Kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Kiên Nguyễn

Có thể nhận thấy trong tương lai, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ là một địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng, có tiềm lực mạnh và nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, đây sẽ là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch vượt trội, để thúc đẩy kinh tế xanh phát triển, cạnh tranh.

Tài nguyên phát triển vượt trội

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc hợp nhất ba tỉnh sẽ động lực phát triển bền vững cho Lâm Đồng. Đặc biệt, khi tỉnh Lâm Đồng được mở rộng, không chỉ gia tăng quy mô mà còn hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch, từ khí hậu, sinh thái, văn hóa cho đến các danh thắng tầm quốc gia.

"Không gian phát triển lớn, cộng với hệ thống điểm đến và sản phẩm phong phú, sẽ tạo nên sự khác biệt đậm nét cho du lịch Lâm Đồng, giúp định vị thương hiệu riêng biệt và có sức cạnh tranh vượt trội" - ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Lâm Đồng hiện quy tụ tới 4 khu vực đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Đây chính là lợi thế hiếm có để địa phương xây dựng những sản phẩm đặc sắc, liên vùng, liên ngành. Nếu có sự thống nhất trong chỉ đạo phát triển và huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư, du lịch địa phương có thể bùng nổ mạnh mẽ, trở thành một cực tăng trưởng mới trong ngành du lịch Việt Nam”- ông Siêu nói thêm.

Phiên thảo luận hiến kế phát triển tỉnh Lâm Đồng
Phiên thảo luận hiến kế phát triển cho tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập. Ảnh: Kiên Nguyễn

Đồng quan điểm về các thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch của Lâm Đồng sau sáp nhập, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chung nhận định, sau khi sáp nhập, tài nguyên du lịch của Lâm Đồng sẽ trở nên phong phú, đa dạng và nổi bật hơn bao giờ hết. Với sự kết hợp giữa các vùng địa lý, khí hậu, văn hóa đặc trưng, tỉnh mới sẽ sở hữu những sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, khác biệt và có sức cạnh tranh cao trên bản đồ du lịch quốc gia cũng như quốc tế.

Bên cạnh lợi thế tài nguyên du lịch, ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện cũng góp phần mở rộng khả năng kết nối vùng và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch quy mô lớn. Tuy nhiên, theo ông Hải, để khai thác hiệu quả, địa phương cần tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch một cách đồng bộ, hiện đại và có tầm nhìn dài hạn.

Từ tiềm năng phát triển của địa phương, ông Nguyễn Hồng Hải đề xuất, Lâm Đồng cần xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao nguyên kết nối Đà Lạt - Tà Lùng - Mũi Né; du lịch văn hóa đậm đà bản sắc vùng miền; du lịch nông nghiệp trải nghiệm; du lịch công viên địa chất; du lịch chữa lành và các loại hình thể thao mạo hiểm. "Đây chính là cơ sở để tạo nên một hệ sinh thái du lịch hấp dẫn, giàu giá trị trải nghiệm, mang lại sức hút bền vững cho du lịch Lâm Đồng trong tương lai"- ông Hải cho hay.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng. Ảnh: Kiên Nguyễn

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Lâm Đồng, đặc biệt với huyện Lâm Hà, đã ghi dấu ấn qua gần 4 thập kỷ. Kể từ khi thành lập vùng kinh tế mới Lâm Hà năm 1987, Hà Nội đã đồng hành cùng Lâm Đồng thông qua các chương trình hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch và trao đổi văn hóa. Giai đoạn 2004 - 2020, Hà Nội đã hỗ trợ Lâm Hà hơn 433 tỷ đồng cho 67 dự án về giáo dục, giao thông, văn hóa và y tế, góp phần đưa huyện Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ, Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và đặc sản vùng miền tại Thủ đô. Đồng thời, đưa các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của Lâm Đồng đến gần hơn với người dân Hà Nội và du khách quốc tế.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Trần Sỹ Thanh
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Việt Trung

Về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chia sẻ tại diễn đàn, ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sự nhanh nhạy, chủ động của Lâm Đồng trong việc triển khai các hoạt động quảng bá văn hoá, du lịch, giới thiệu không gian phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư mới của địa phương khi sáp nhập ba tỉnh.

Ông Hồ An Phong cho rằng, hoạt động quảng bá các tiềm năng như một dòng chảy không ngừng, do vậy nếu không đẩy mạnh sẽ để trôi đi các cơ hội phát triển. Do đó, tỉnh Lâm Đồng chính là mẫu mực để các địa phương khác học hỏi trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại đầu tư.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhìn nhận, không gian mới là cơ hội để Lâm Đồng phát triển bứt phá. Tuy nhiên, địa phương phải làm rõ và xác định được nguồn lực mới để triển khai. "Với Lâm Đồng, nguồn lực đó chính là con người, di sản, thể chế, cơ hội. Nhưng lưu ý, nguồn lực con người là quan trọng nhất" - ông Phong chỉ rõ.

Từ thực tiễn và cơ hội phát triển của địa phương, theo ông Hồ An Phong, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành, sát cánh với tỉnh Lâm Đồng mới, nhằm tạo ra giá trị mới, qua đó có đóng góp quan trọng để đưa ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Bộ sẽ đồng hành với Lâm Đồng từ điều chỉnh quy hoạch vùng, định vị thương hiệu, trong sửa Luật Du lịch, cũng như thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá… " - ông Phong cho hay.

Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm

Trong giai đoạn phát triển mới, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng xác định rõ ba trụ cột chính là văn hóa - du lịch - thương mại sẽ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc, công nghệ và nguồn lực xã hội, tạo nên sự bứt phá của tỉnh.

Theo đó, Lâm Đồng ưu tiên các dự án đầu tư vào công nghiệp văn hóa, hạ tầng du lịch, thương mại số, đô thị thông minh và nông nghiệp công nghệ cao. Thành lập Tổ công tác chuyên trách và Đầu mối xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, sớm triển khai các cơ chế đặc thù sau sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc phân cấp, ủy quyền, quy hoạch không gian phát triển và phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Tỉnh Lâm Đồng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đề cao vai trò của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng tính dự báo và minh bạch trong chính sách.

Bảo Thoa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận