http://tinh-binh-phuoc-tim-dau-ra-cho-trai-cay
Mặc dù có lợi thế rất lớn nhưng nông sản, trái cây Bình Phước vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu.
Là tỉnh có thế mạnh phát triển về nông nghiệp và các sản phẩm cây công nghiệp, thời gian gần đây, sản lượng và chất lượng trái cây của tỉnh Bình Phước cũng phát triển khá tốt. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 151.000 ha cây điều, sản lượng trên 150 ngàn tấn/năm; 15.720 ha cây tiêu, sản lượng 28.723 tấn/năm. Tổng diện tích cây ăn trái 12.062 ha, tổng sản lượng gần 64.000 tấn/năm với rất nhiều loại như: Quýt, xoài, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bưởi, chuối và nhiều loại trái cây khác.
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng trái cây của Bình Phước đầu ra vẫn chưa thuận lợi |
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây của Bình Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân còn bấp bênh.
Với trên 500 ha mít thái lá bàng và mít ruột đỏ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Bù Đốp (tỉnh Đồng Tháp), ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc Hợp tác xã Phước Thiện - cho biết, hiện nay có rất nhiều sản phẩm cây ăn trái được nhà nông trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Do đó, Hợp tác xã nói chung và người trồng cây ăn trái nói riêng mong muốn được hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp để tránh tình trạng sản phẩm làm ra qua tay nhiều thương lái dẫn đến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao khi đến tay người tiêu dùng.
Hợp tác xã bưởi da xanh Hồng Nịp (ở thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng) hiện đang triển khai quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và dán nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm hướng đến những thị trường khó tính. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, số lượng, quy cách không đáp ứng yêu cầu là rào cản lớn nhất khi doanh nghiệp đặt vấn đề xuất khẩu sản phẩm, từ đó dẫn đến việc sản phẩm trái cây của Bình Phước nhưng phải mang thương hiệu của các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có lợi thế rất lớn nhưng cây ăn trái Bình Phước hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu, sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian nên khả năng gia nhập thị trường còn thấp. Số lượng một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu nên phải mang thương hiệu địa phương khác.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân tạo điểm nghẽn trong liên kết giữa siêu thị và các Hợp tác xã là do hợp tác xã chưa nắm rõ được quy trình ký kết hợp đồng, chưa hoàn thiện hồ sơ nên khó đưa nông sản vào hệ thống siêu thị.
Khi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được lựa chọn để hợp tác với các hệ thống siêu thị, họ cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ hồ sơ, khảo sát và việc đánh giá trải qua quá trình khá dài. Từ khâu kiểm nghiệm chất lượng đến nguồn gốc sản phẩm đều phải đầy đủ tiêu chí năng lực về nguồn cung cấp. Đặc biệt, tuân thủ các quy trình về an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý chuyên ngành...
Để trái cây Bình Phước phát triển bền vững, cùng với việc kết nối đầu ra, rất cần các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tuyên truyền, định hướng canh tác sạch, an toàn ngay từ đầu, tiến tới cấp mã số vùng trồng, dán nhãn hàng hóa phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các trang trại, hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và có sản phẩm đạt chuẩn tham gia sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh việc chưa nắm rõ quy trình và chưa hoàn thiện hồ sơ, một hạn chế khác là các HTX chưa nắm rõ được nhu cầu thị trường, nên khó tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh việc chưa nắm rõ quy trình và chưa hoàn thiện hồ sơ, một hạn chế khác là các HTX chưa nắm rõ được nhu cầu thị trường, nên khó tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm. |