Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc sau "bước đi mềm" của Tổng thống Donald Trump
Thị trường tài chính châu Á đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo miễn trừ thuế quan cho một số mặt hàng điện tử nhập khẩu. Động thái này đã tạo lực đẩy tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu vực.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images |
Cụ thể, khoảng 400 mặt hàng điện tử, bao gồm một số linh kiện máy tính, thiết bị viễn thông và linh kiện tiêu dùng, đã được loại khỏi danh sách áp thuế bổ sung 10%. Lệnh miễn trừ này có hiệu lực trong vòng một năm, tính từ ngày công bố và được đánh giá là sự điều chỉnh mang tính chiến lược nhằm hỗ trợ thị trường nội địa Mỹ trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Ngay sau thông tin này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng hơn 1%, trong khi các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng ghi nhận sắc xanh trở lại. Những cổ phiếu công nghệ và xuất khẩu tại các nước này đồng loạt hồi phục, nhờ kỳ vọng nhu cầu từ Mỹ sẽ được duy trì ổn định.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị giới doanh nghiệp nên thận trọng. Tuy nhiên, quyết định “phanh gấp” lần này của Tổng thống Donald Trump được xem là tín hiệu góp phần tạo cơ hội để các cuộc đàm phán thương mại trong thời gian tới trở nên sôi động và thực chất hơn.
Apple sử dụng chiến lược linh hoạt trong bối cảnh mới
Apple đang đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam trong nỗ lực tối ưu hóa chuỗi cung ứng khu vực và tận dụng khoảng thời gian miễn thuế 90 ngày từ Mỹ đối với hàng công nghệ.
Theo Nikkei Asia, Apple đã đề nghị các đối tác tăng cường sản lượng MacBook và iPad tại Việt Nam, đồng thời mở rộng năng lực sản xuất ở các quốc gia Đông Nam Á khác.
![]() |
Apple đang cố gắng mở rộng năng lực sản xuất ở các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Hãng tin AP |
Bên cạnh đó, công ty cũng đang hướng đến việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất linh kiện, như bảng mạch in. Quá trình này diễn ra song song với nỗ lực phối hợp chặt chẽ cùng các nhà cung ứng tại Trung Quốc - nơi vẫn đóng vai trò trung tâm trong sản xuất nhiều bộ phận cơ khí và vỏ kim loại có chi phí tối ưu.
Việc mở rộng hiện diện sản xuất tại Việt Nam và khu vực châu Á cho thấy chiến lược linh hoạt của Apple trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu biến động. Đồng thời, thể hiện xu hướng hợp tác khu vực ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ.
Cổ phiếu công nghệ châu Âu bứt phá sau khi Tổng thống Mỹ miễn thuế
Thị trường chứng khoán châu Âu khởi động tuần mới trong sắc xanh khi nhà đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ tạm hoãn chính sách thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng công nghệ. Chỉ số Stoxx 600 tăng 1,6% trong phiên giao dịch buổi sáng, với toàn bộ các ngành đều đi lên. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng với mức bứt phá 2,4%.
Quyết định miễn thuế tạm thời của Mỹ dành cho điện thoại thông minh, máy tính và thiết bị điện tử đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho tâm lý thị trường, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư vẫn đang theo sát diễn biến từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, 20 nhóm hàng công nghệ được miễn mức thuế mới 125% khi nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng mức thuế cơ bản 10% với hàng từ các quốc gia khác, trong khi thuế 20% với hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều điều cần theo dõi, trong đó có thời hạn hiệu lực của chính sách miễn thuế này, cũng như khả năng phản ứng của các nền kinh tế lớn. Liên minh châu Âu đã quyết định tạm hoãn áp thuế trả đũa trong vòng 90 ngày để thúc đẩy đàm phán...
Bên cạnh yếu tố thuế, tuần này cũng là thời điểm khởi động mùa báo cáo tài chính quý đầu năm. LVMH và Goldman Sachs là những cái tên lớn sẽ công bố kết quả trong vài ngày tới, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đối mặt với môi trường thương mại nhiều biến động.
Doanh nghiệp Việt định hình lại chuỗi cung ứng trước tình hình mới
Mới đây, TS. Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) đã có ý kiến cho rằng, trước bối cảnh tình hình mới, doanh nghiệp cần định vị lại cấu trúc sản xuất, cơ cấu giá trị gia tăng trong sản phẩm để duy trì tiếp cận thị trường Mỹ. Đồng thời, cần có cải cách và thông điệp minh bạch, đáng tin cậy. Theo đó:
Thứ nhất, cần mở cửa cho thương mại và đầu tư từ Mỹ để cải thiện quy mô nhập khẩu. Tăng nhập khẩu sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước nhưng không hoàn toàn tiêu cực. Môi trường cạnh tranh buộc doanh nghiệp định vị lại, tự đổi mới, tạo động lực nâng cấp kỹ năng.
Thứ hai, hàng nhập khẩu có thể mang tính hỗ trợ hơn là cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất (như cung ứng nguyên liệu đầu vào).
Thứ ba, đầu tư của Mỹ sẽ tạo việc làm và cấu trúc kinh tế mới. Đầu tư thường đi kèm với nhập khẩu từ nước đầu tư, nên việc cải cách môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại.