Giải quyết thách thức của thị trường lao động hiện đại Tìm giải pháp phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững Thị trường việc làm sôi động hơn dịp cuối năm |
Nhu cầu tuyển dụng ổn định
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thị trường lao động, việc làm tại Hà Nội sau Tết Tân Sửu 2021 diễn ra khá sôi động, các đơn vị, doanh nghiệp khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh; người lao động khẩn trương bắt tay thực hiện công việc. Mới đăng tin tuyển người giúp việc theo giờ qua mạng xã hội được 2 ngày, chị Nguyễn Thị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã có 3 - 4 người liên hệ với chị để phỏng vấn làm giúp việc theo giờ ngay sau Tết với mức tiền công từ 40.000 - 60.000 đồng/người/giờ hoặc 200.000 - 350.000 đồng/người/ngày.
Bên cạnh các kênh tìm kiếm việc làm truyền thống, tín hiệu lạc quan của thị trường lao động còn được thể hiện rõ hơn qua các trang thông tin giới thiệu việc làm, các đơn vị kết nối việc làm cũng như các sàn giao dịch việc làm thuộc sự quản lý của cơ quan, đơn vị chức năng.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) - cho biết, ngay từ ngày 17/2 (tức mùng 6 Tết) khi Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Trung tâm) trở lại công việc, ước tính trung bình một ngày có khoảng 600 - 800 người đến Trung tâm đăng ký thực hiện các dịch vụ giao dịch. Tính chung cả các địa điểm vệ tinh của đơn vị, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 1.700 lao động, có thời điểm đông tiếp nhận đến 2.000 lao động.
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đón tiếp người lao động tham gia tuyển dụng sau Tết Nguyên đán |
"Cũng trong dịp này, trang thông tin http://vieclamhanoi.net thường xuyên có hơn 4.000 đơn vị, doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng và có hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển. Số người đến ứng tuyển, số doanh nghiệp đến tuyển dụng trực tiếp tại các sàn giao dịch việc làm cũng sôi động hơn cùng kỳ năm 2020. Các chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào các vị trí thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử điện thoại, lĩnh vực dệt may, cơ khí, thương mại dịch vụ…" - ông Thành cho biết thêm.
Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu
Lạc quan về tình hình dịch bệnh cũng như tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm nay so với các năm trước đã tăng cao. Đặc biệt, khác mọi năm, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhìn chung tình trạng người lao động, công nhân “nhảy việc” ít xảy ra. Số lao động trở lại làm việc trong những ngày đầu năm toàn thành phố đạt 94,5%, có những doanh nghiệp đạt xấp xỉ 100%. Đồng thời, năm 2021, phần lớn các doanh nghiệp đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch và việc chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cũng có những chương trình giữ chân người lao động trở lại ngay từ thời điểm trước Tết giúp người lao động yên tâm trở lại làm việc và bắt nhịp công việc sớm. Chính vì vậy, thị trường lao động đầu năm 2021 được đánh giá ổn định hơn so với đầu năm 2020 khi dịch mới bùng phát khi doanh nghiệp bị động do không kịp chuẩn bị trang thiết bị, nguyên liệu cho những hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để kết nối người lao động với thị trường việc làm đạt hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương kích hoạt 100% điểm, sàn giao dịch việc làm ngay trong ngày làm việc đầu tiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu (bắt đầu từ ngày 17/2). Hoạt động tư vấn, kết nối về cung - cầu lao động tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch Covid-19, khảo sát nhu cầu tìm việc của người lao động, từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tiếp tục có giải pháp đưa họ sớm trở lại thị trường.
Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp… Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, toàn thành phố Hà Nội phấn đấu tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người trong năm 2021, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam dự báo, khi dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, thị trường việc làm ở Việt Nam cũng như Hà Nội khó phục hồi ngay trong thời gian tới, đồng nghĩa cơ hội việc làm cho người lao động chưa rộng mở. Điều này đòi hỏi các bên liên quan cần quan tâm nâng cao chất lượng việc làm, bảo đảm sự ổn định của những việc làm hiện có; đồng thời, tạo ra những việc làm mới cho người lao động. |