Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 và các Hội nghị, Hội thảo, diễn đàn liên quan (Hội nghị AMRI 16) vừa khép lại tại thành phố Đà Nẵng với nhiều nội dung định hướng và hợp tác chung trong lĩnh vực thông tin khu vực ASEAN.
Nổi lên trong các nội dung thảo luận tại Hội nghị AMRI 16 được đề cập nhiều nhất và nhận được sự quan tâm không chỉ các đại biểu tham dự hội nghị và còn của người dân đó là vấn đề tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là mạng xã hội trong việc ứng xử với các thông tin này.
Các nền tảng xuyên biên giới đang "chiếm hời" từ xu thế tiếp cận thông tin của người dùng nhưng đây cũng là nơi lan truyền tin giả rất nhanh (Ảnh: Một trang tin giả trên mạng xã hội facebook để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản) |
Các nền tảng xuyên biên giới chiếm gần 50% doanh thu quảng cáo và là nơi lan truyền tin giả
Thói quen tiếp xúc và chia sẻ thông tin của người dân đã thay đổi hoàn toàn do sự phát triển của công nghệ số. Công nghệ số cho phép người dùng tiếp cận với thông tin cập nhật nhanh chóng, đa dạng và đa chiều. Trong đó, có nhiều tin giả, tin sai sự thật.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, con người đang bị “béo phì thông tin” bởi phải tiêu thụ thông tin liên tục, dù là thông tin thật hay tin giả. Mỗi người dân hiện nay dành không dưới 6 giờ đồng hồ mỗi ngày để tiêu thụ thông tin. Đáng buồn là, thông tin thì quá nhiều, nhưng tri thức và sự thấu hiểu lại có xu thế ít ít. Thông tin quá nhiều còn có thể gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ và mất niềm tin.
Trong “dòng lũ” thông tin đó, các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là các mạng xã hội trở thành nơi chia sẻ, phát tán thông tin nhanh chóng. Các nền tảng này cũng tận dụng lợi thế thu về cho mình một khoản lợi kếch xù.
Thông tin từ Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Lưu Đình Phúc, hiện nay, doanh thu trong lĩnh vực truyền thông đạt gần 4 tỷ USD. Và có đến gần 50% trong số đó “chảy vào túi” của các nền tảng xuyên biên giới; và các dữ liệu cũng đang được các nền tảng này thu thập.
Hưởng lợi từ xu thế tiếp cận thông tin của người dùng, tuy nhiên, những nền tảng xuyên biên giới cũng chính là môi trường để lan truyền tin giả, thông tin sai lệch.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Lê Quang Tự Do, tại Việt Nam có 4 nền tảng lớn gồm Zalo với 47 triệu người dùng; Youtube 63 triệu người dùng, Facebook 66 triệu người dùng và Tiktok với gần 50 triệu người dùng.
Trong đó, có tới 3/4 nền tảng trên là Facebook, Youtube, Tiktok – những nền tảng truyền thông xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch lan truyền rất nhanh.
Cần quy trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội đối với các nền tảng xuyên biên giới trong chống tin giả, tin sai sự thật |
Phải tăng trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội đối với các nền tảng xuyên biên giới
Tin giả, tin sai lệch đang nổi lên là vấn đề mới của toàn cầu gây thiệt hại không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng, gây mất ổn định an ninh. Nhiều tin giả, tin sai lệch có chủ đích kích động, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Là nơi lan truyền các thông tin giả nhanh chóng, nhưng, các nền tảng xuyên biên giới chưa thể hiện được trách nhiệm của mình trong quyết liệt chống lại những thông tin này. Điều này thể hiện qua việc thông tin giả vẫn tiếp tục lan tràn. Dạo quanh các nền tảng mảng xã hội như facebook, tiktok, youtube không khó để tìm thấy những thông tin sai lệch, không hoặc chưa bị gỡ bỏ.
“Bắt buộc phải có những phương pháp, cho dù là bằng các quy định của pháp luật, hay bộ quy tắc ứng xử hay cách làm riêng có nhưng mang lại hiệu quả của các quốc gia để buộc các nền tảng truyền thông xuyên biên giới (nền tảng xuyên biên giới) tuân thủ đầy đủ pháp luật của các quốc gia, những quy tắc ứng xử của quốc gia, khu vực liên quan đến vấn đề nhạy cảm về văn hoá, bản sắc, chính trị”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Thanh Lâm nói và cho biết, tại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị AMRI 16, vấn đề trách nhiệm của những nền tảng xuyên biên giới đã được Việt Nam đề xuất đặt ra, được ghi nhận và được tích hợp vào tuyên bố chung của Hội nghị.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, lần đầu tiên Việt Nam và ASEAN đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội và đạo đức của công nghệ, của các nền tảng xuyên biên giới, truyền thông số ảnh hưởng đến việc người dân nắm thông tin. Trên những nền tảng xuyên biên giới có tin giả, tin sai lệch; cũng có hoạt động kinh doanh, quảng cáo; và có cả những mô hình gọi là kinh doanh nhưng vi phạm pháp luật, nhưng dựa vào sự phát tán nhanh của tin giả, dựa vào sự lan tỏa nhanh của thông tin mà gây tổn hại cho những công dân chưa được trang bị kiến thức về nhận thức, về công nghệ số. Điển hình như các vụ lừa đảo trên không gian mạng, những tin giả vu khống…với rất nhiều nạn nhân.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và quyết liệt trong cuộc chiến chống tin giả (Ảnh: Trang thông tin trung tâm xử lý tin giả Việt Nam) |
Nhóm đặc trách ASEAN về tin giả được thành lập theo sáng kiến đề xuất của Việt Nam và được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao. |
“Đây là vấn đề nóng chung của ASEAN, và ASEAN phải có cách làm để ứng xử với vấn đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói và cho biết, ngay tại Hội nghị AMRI 16, các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đã thể hiện hành động mạnh mẽ trong chống tin giả bằng việc thông qua Kế hoạch Hành động của nhóm Đặc trách ASEAN về tin giả (PoA of TFFN)
“Thông qua Kế hoạch Hành động của Nhóm Đặc trách ASEAN về Tin Giả (PoA of TFFN) – là một trong những nỗ lực không ngừng của ngành thông tin trong việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng bao gồm tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, quan điểm cực đoan và chủ nghĩa cực đoan; thông qua Hướng dẫn quản lý thông tin của Chính phủ trong việc chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông”, Tuyên bố chung của Hội nghị AMRI 16 nêu.
Cùng với việc tăng trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới, để chống tin giả, thông tin sai lệch thì cần thiết phải tăng cường giáo dục nhận thức về kỹ thuật số, công nghệ số cho công dân; bên cạnh đó, phải thế hiện được vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông chính thống trên nền tảng số để tạo ra tri thức, chống lại tin giả, tin sai sự thật. |