Bão số 4 suy yếu, mưa lớn vẫn tiếp tục đe dọa miền Trung
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị vào lúc 14 giờ ngày 19/9. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc này nằm tại khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc và 106,9 độ Kinh Đông với sức gió mạnh nhất đạt cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 10. Dự báo trong vài giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20 km/h.
Đường đi của bão số 4 lúc 13 giờ ngày 19/9/2024. Ảnh: MH |
Dự báo đến 22h ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới dự kiến nằm trên khu vực đất liền Trung Lào, sức gió giảm xuống cấp 6, giật cấp 8. Tiếp tục suy yếu, đến 10 giờ ngày 20/9, áp thấp nhiệt đới sẽ tan dần.
Trước đó, vào 13 giờ cùng ngày, tâm bão số 4 nằm trên vùng bờ biển Quảng Bình - Thừa Thiên - Huế với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10, và di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 25 km/h.
Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng, bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ và Hòn Ngư, có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão có gió cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam Biển Đông và khu vực Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.
Các địa phương từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng nguy cơ ngập úng, sạt lở do sóng lớn và triều cường kết hợp. Ngoài ra, mưa lớn có thể gây ngập lụt tại các đô thị và khu dân cư, đặc biệt tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Các cơ quan chức năng và người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo để có phương án ứng phó kịp thời.
Cầu Ngòi Móng đổ sập do mưa lũ, tỉnh lộ 445 Hoà Bình bị chia cắt
Xác nhận với Báo Công Thương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn (TP. Hoà Bình) thông tin, vụ sập cầu Ngòi Móng xảy ra vào khoảng 1h sáng 19/9. Cây cầu này nằm trên tỉnh lộ 445 (hướng đi Kỳ Sơn - Pheo Chẹ) thuộc tổ 2, phường Kỳ Sơn.
Hiện trường vụ sập và gãy một phần cầu Ngòi Móng trên đường tỉnh 445, thành phố Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Thời điểm xảy ra vụ việc, rất may không có người và phương tiện lưu thông qua cây cầu. Nguyên nhân sập cầu là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua gây mưa lớn, khiến nền đất yếu dẫn tới cầu bị sập.
Ngay khi nhận tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường căng dây, cắm biển cảnh báo. Đồng thời, báo cáo với Sở Giao thông vận tải Hoà Bình để có hướng xử lý, khắc phục. Hiện người và các phương tiện chưa thể lưu thông qua đây.
Quảng Bình: Sơ tán gần 1.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở
Ngày 19/9, ông Trương Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ sạt lở đất gây hư hại nhà dân.
Khoảng 11h ngày 19/9, một khối lượng đất lớn bị sạt, đổ tràn vào nhà bà Trương Thị Nhị ở thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa làm rạn nứt nhà bếp, may mắn không thiệt hại về người. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến hiện trường đưa cả gia đình đến nơi an toàn.
Lực lượng quân y thăm khám sau khi người dân được đưa đến nơi an toàn (Ảnh: Thanh Lộc) |
Hiện chính quyền cử người trực theo dõi, kiểm tra hiện trường, khi đảm bảo an toàn sẽ huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của vụ sạt lở.
Ứng phó với bão số 4, tính đến 11 giờ ngày 19/9, các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 238 hộ/918 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể: Huyện Lệ Thủy di dời 35 hộ/100 người; huyện Bố Trạch di dời 82 hộ/347 người; huyện Tuyên Hóa di dời 27 hộ/90 người (đồi Phòng không); huyện Minh Hóa di dời 94 hộ/381 người.
Đến 9h sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã hoàn thành công tác sơ tán 36 gia đình với 160 nhân khẩu của bản Mít Cát. Đây là những hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đã cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cho bà con trong vài ngày tới.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển. Tỉnh Quảng Bình phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.
Hà Tĩnh: Hàng chục ngôi nhà bị tốc mái do ảnh hưởng bão số 4
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ ngày 18/9 tới sáng 19/9 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang có mưa to đến rất to, gió giật từng cơn khiến nhiều nhà bị tốc mái, nhiều cây cối bị gãy, đỗ, một số tuyến đường ngập cục bộ.
Nhiều nhà dân bị tốc mái do ảnh hưởng bão số 4. Ảnh: Anh Phan |
Cụ thể, tại xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) có 36 công trình nhà ở, công trình phụ trợ bị tốc mái, 10 cột đèn đường, 50 cây bị gãy đổ; xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) có 3 nhà bị tốc mái. Tại huyện Can Lộc, 1 hộ dân ở xã Sơn Lộc bị tốc mái, 2 cột điện ở xã Quang Lộc bị đổ gãy. Tại huyện Lộc Hà có 2 ngôi nhà bị cùng 10 mái che nhà dân ở xã Thịnh Lộc bị ảnh hưởng. Lúc 10h ngày 19/9, tại xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) có 16 nhà dân bị tốc mái.
Theo dự báo, thị xã Kỳ Anh là địa bàn ở Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão số 4, do đó, hiện chính quyền địa phương đã lên phương án di dời hơn 1.400 hộ dân ở các vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Phan Thành Biển - Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời 1.409 hộ dân với 4.080 nhân khẩu ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.
Các hộ dân ở vùng nguy hiểm sẽ được di dời lên các trường học, nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn. Hiện, UBND thị xã đã yêu cầu nhân dân chặt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn. Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thị xã cũng đã túc trực 24/24h, thường xuyên liên hệ với các địa phương để kịp thời xử lý những tình huống xảy ra.
Còn tại huyện Thạch Hà, địa phương này cũng đang triển khai các phương án, sẵn sàng di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ngập lụt cao về nơi tránh trú an toàn; đồng thời, sẵn sàng phương tiện, nhân lực, trang thiết bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi nước lũ dâng cao do mưa lớn.