Tìm lối đi cho nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số Long An

Sở Công Thương Long An đang từng bước lồng ghép chính sách, mở hướng tiêu thụ nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các kênh thương mại hiện đại.
VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu sốBình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng caoNông sản miền núi: Bắt nhịp tiêu dùng xanh, tăng sức mua

Đồng bào dân tộc thiểu số Long An là bộ phận không thể tách rời

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Long An, Long An hiện có khoảng 1,55 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm chưa đến 1% dân số toàn tỉnh, tương đương 15.771 người. Trong đó, đông nhất là dân tộc Khmer với gần 10.000 người, kế đến là người Hoa (3.796 người) và các dân tộc khác. Họ sống đan xen trong các cộng đồng dân cư, phần lớn tập trung ở các khu vực nông thôn, vùng biên giới – nơi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Không giống với các tỉnh miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng lớn, tại Long An, đa phần người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh khác, sinh sống và lập nghiệp theo hình thức di cư, hôn nhân hoặc lao động.

Mặc dù số lượng không lớn, song nhóm dân cư này vẫn là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc xã hội địa phương. Đặc biệt, trong tiến trình phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh, các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được lồng ghép trong nhiều chương trình lớn như: xây dựng nông thôn mới, phát triển thương mại nông thôn, khuyến công và thương mại điện tử.

Long An chú trọng triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương (Ảnh: Bùi Tùng)

Cũng theo Sở Công Thương Long An, trong giai đoạn 2021 - 2024, Long An chưa triển khai chương trình riêng dành cho việc đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ vùng dân tộc thiểu số và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số, theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Tuy nhiên, Sở Công Thương tỉnh vẫn chủ động lồng ghép các hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thông qua các chương trình đang có sẵn như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình khuyến công và phát triển thương mại nông thôn; Hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; Chương trình phát triển thương mại điện tử.

Long An có nguồn nông sản dồi dào, phong phú (Ảnh minh hoạ)

Những hoạt động này tuy không nhắm đích riêng cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng lại tạo cơ hội gián tiếp giúp đồng bào cải thiện điều kiện kinh doanh, tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương.

Ưu tiên vùng biên giới và vùng khó khăn

Với đặc thù địa lý, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh phân bố chủ yếu tại vùng nông thôn, vùng biên giới – những nơi còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại và logistics. Do đó, các chương trình lồng ghép triển khai tại những địa bàn này luôn ưu tiên hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm địa phương và thúc đẩy kết nối thị trường.

Sở Công Thương tỉnh Long An đã và đang tham mưu UBND tỉnh triển khai các chính sách tập trung vào ba mũi nhọn như khuyến công, hỗ trợ sản xuất hàng hóa nông thôn; Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đưa hàng vào chuỗi phân phối; Phát triển thương mại điện tử, mở kênh tiêu thụ hiện đại, giảm phụ thuộc vào địa bàn.

Đơn cử, cuối năm 2023, Tỉnh Đoàn Long An đã tổ chức Ngày hội kết nối, tiêu thụ nông sản năm 2023 tại huyện Thạnh Hóa. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các ban, ngành huyện Thạnh Hóa, Ban Thường vụ các Huyện, Thị Đoàn cụm thi đua số 2, đại diện Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh và gần 200 đoàn viên, thanh niên.

Ngày hội nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng nông sản, thúc đẩy xuất khẩu nông sản của các địa phương, cải thiện thu nhập cho thanh niên, người dân. Đồng thời, đây cũng là dịp để vận động đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình và người dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần nâng cao hiệu quả các giải pháp tiêu thụ nông sản.

Tại ngày hội, các đoàn viên, thanh niên được tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và lập nghiệp. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã trao quà cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện, thị xã thuộc Cụm thi đua số 2.

Tìm lối đi cho nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số Long An
Sản phẩm OCOP được trưng bày tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Long An (Ảnh: Mai Hương)

Đặc biệt, việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không chỉ là hoạt động quảng bá thương hiệu vùng miền, mà còn là cách để các hộ sản xuất, hợp tác xã có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn, kể cả trong nước và quốc tế thông qua nền tảng số.

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương Long An đã nêu rõ: Dù hiện nay tỉnh chưa triển khai chương trình riêng dành cho tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng thực tiễn cho thấy cần thiết phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể và có mục tiêu ưu tiên cho đối tượng này trong giai đoạn tiếp theo.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn, Sở Công Thương đề xuất Bộ Công Thương đẩy mạnh chương trình xây dựng, cải tạo chợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn, mật độ dân tộc thiểu số cao.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại riêng biệt cho nhóm sản phẩm của đồng bào, gắn với hệ sinh thái OCOP, thương mại điện tử, chợ phiên văn hóa. Hỗ trợ đào tạo kỹ năng tiếp cận thị trường, truy xuất nguồn gốc, cải tiến bao bì, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho hộ sản xuất, hợp tác xã có yếu tố dân tộc thiểu số tham gia.

Việc có chương trình riêng sẽ giúp Long An chủ động hơn trong định hướng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thị trường, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Giai đoạn 2026 - 2030 là thời điểm vàng để tỉnh “bẻ lái” chiến lược, hướng tới các chương trình chuyên biệt hơn, bài bản hơn, vừa để bảo đảm công bằng trong phát triển, vừa để tận dụng tốt hơn các tiềm năng bản địa chưa được khai phá.

Long An chưa có chương trình riêng về tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng các chính sách lồng ghép đang từng bước mở đường cho người dân tiếp cận thị trường, xây dựng sản phẩm và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Lan Phương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận