Muôn hình lừa đảo
Thời gian gần đây, các Thương vụ Việt Nam tại một số nước như: Hà Lan, Senegel, Togo, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ… liên tiếp đưa ra cảnh báo đối với DN Việt Nam khi tìm đối tác thông qua mạng internet. Hình thức lừa đảo khá đa dạng, tinh vi, các đối tượng sử dụng website giả mạo, dùng virus gửi qua email lấy cắp mật khẩu để chỉ định chuyển tiền vào tài khoản khác, hay lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng…
Doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin trước khi giao dịch |
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, mới đây đã nhận được đề nghị của DN Việt Nam nhờ kiểm tra DN Hà Lan Phoenix Pharma B.V (có địa chỉ website www.phoenixpharmabv.nl) trước khi tiến hành giao dịch kinh doanh nhập khẩu (NK) nhiệt kế hồng ngoại phục vụ phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi truy cập website này không có số điện thoại cố định, chỉ có số di động. Đặc biệt, khi Thương vụ truy cập dữ liệu của Phòng Thương mại Hà Lan, số đăng ký thành lập DN mà công ty Hà Lan gửi cho đối tác Việt Nam là giả.
Hay tại Maroc, Công ty FISHERLAB SARL, địa chỉ ở 13 AHMED EL MAJJATI RES ALPES ETG01 NO08 MAARIFCASABLANCA 20100, Giám đốc là Mr Khalid, có biểu hiện không trung thực trong giao dịch NK. Công ty này đã đưa ra nhiều yêu sách với bên xuất khẩu (XK) và trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký. Đồng thời, có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh để lảng tránh nghĩa vụ thanh toán. Thủ đoạn của DN này là nhập 1-2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với nhiều lý do... Đã có một công ty của Việt Nam gặp trục trặc do bán hàng nhựa nguyên liệu cho DN này.
Cũng liên quan đến khâu thanh toán xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Mali, Senegal, Xarauy, Niger, Gambia) cho biết, đã xuất hiện lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng. Cụ thể, một DN Việt Nam tìm đối tác qua mạng internet có tên GSN INTERNATIONAL. Đối tác này đã mua 1 container tiêu đen 40 feet từ Việt Nam trị giá 61.750 USD. Hình thức thanh toán là CAD 100% at sight (giao chứng từ trả tiền ngay) thông qua ngân hàng, người bán không yêu cầu tiền đặt cọc. Ngân hàng của người mua là Ngân hàng Công Thương Senegal VDN/BICIS. Qua công ty chuyển phát nhanh DHL và hãng tàu, được biết người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng song không thanh toán cho công ty Việt Nam. Sau đó, công ty XKViệt Nam đã liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được. Ngân hàng người bán cũng đã liên lạc với ngân hàng người mua tại Senegal thì được biết người ký nhận bộ chứng từ không làm việc tại ngân hàng này.
Thận trọng tìm kiếm “bạn hàng”
Ông Lê Phú Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết, đa phần các DN Việt bị thiệt hại do chủ quan. Không ít trường hợp DN XKchấp nhận các điều kiện thanh toán rủi ro, nhất là điều kiện CAD. Mặt khác, trong nhiều giao dịch, hai bên không có hợp đồng mà chỉ xác nhận lên hóa đơn. “Việc xác minh, kiểm tra đối tác rất quan trọng và góp phần ngăn chặn được nhiều giao dịch có khả năng lừa đảo” - ông Lê Phú Cường nhấn mạnh.
Đối với việc tìm kiếm bạn hàng qua internet, các Thương vụ Việt Nam đều cho rằng, các DN xuất nhập khẩu Việt cần hết sức cảnh giác giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet.
“Các DN cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn DN, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc” - ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria khuyến cáo.
Còn trong khâu thanh toán, DN nên sử dụng L/C (tín dụng thư) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ. Đề nghị khách hàng trả trước (đặt cọc) ít nhất là 40-50% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm. Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể DN XKsẽ bị mất hàng. Đặc biệt, cần lưu ý và xác định rõ địa chỉ ngân hàng, cũng như người nhận bộ chứng từ của bên mua, vì có hiện tượng khách hàng cho địa chỉ người nhận chứng từ không thuộc ngân hàng…
DN xuất nhập khẩu Việt Nam cần thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác trên các website của Bộ Công Thương như Vietnamexport.com.vn, Moit.gov.vn. Đặc biệt, lưu ý những danh sách DN lừa đảo mà các Thương vụ đăng tải để tránh giao dịch. |