Hội thảo "Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và ASEAN” |
Hội thảo nhằm đánh giá lại thực trạng phát triển du lịch tại khu vực miền Trung Việt Nam và các nước ASEAN thông qua những bài học, kinh nghiệm thực tế từ những điểm đến du lịch của các địa phương trong ASEAN. Từ đó đưa ra các giải pháp, đề xuất phát triển bền vững từng điểm đến cũng như trong liên kết toàn khu vực.
Nội dung của hội thảo tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính bao gồm thực tiễn và kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, khu vực ASEAN và trên thế giới; Khai thác và bảo tồn di sản văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch bền vững; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững; thực trạng và những vấn đề đặt ra cho du lịch bền vững miền Trung Việt Nam trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh toàn cầu; Giải pháp phát triển du lịch bền vững khu vực miền Trung Việt Nam.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả về du lịch khu vực ASEAN và một số nước trên thế giới |
Nguồn nhân lực du lịch là yếu tố được nhiều đại biểu tham gia hội thảo quan tâm hơn cả để phát triển du lịch bền vững khu vực ASEAN. Theo Thạc sĩ Christina G.Aquino, đại học Lyceum Philippin, cần phải có sự thừa nhận lẫn nhau về nhân lực trong khối ASEAN. Cần phải tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia du lịch đủ năng lực cần thiết để duy trì phát triển du lịch ở bất kỳ điểm đến nào trong khu vực ASEAN. Tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ chung cho đội ngũ chuyên gia này. Để làm được điều này các quốc gia cần phải đạt được Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) được xác định trong Tầm nhìn 2020 của Cộng đồng ASEAN.
Giáo sư Joseph Lema, Đại học Stockton thì đặt vấn đề về ứng dụng của công nghệ đối với nhân sự du lịch bởi ngày càng có nhiều du khách áp dụng và chấp nhận các công nghệ mới từ đơn giản đến phức tạp để tăng thêm trải nghiệm trong chuyến du lịch của họ. Giáo sư Joseph Lema cho rằng để duy trì một lực lượng lao động mang tính cạnh tranh thì việc phát triển các kỹ năng truyền tải nhằm thực hiện và dẫn dắt sự thay đổi là điều cần thiết. Các khía cạnh của dịch vụ tự định hướng xuất hiện cho phép du khách có sự kiểm soát các trải nghiệm của họ tốt hơn.
Còn tại khu vực miền Trung Việt Nam, nhìn từ mô hình Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm thì vấn đề và giải pháp ở đây liên quan đến tài chính bền vững. Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, để vận hành hiệu quả một khu bảo tồn biển, cần rất nhiều nguồn tài trợ, trong đó giải pháp huy động nguồn lực tài chính bền vững là một trong những tài trợ quan trọng nhất. Thực tiễn quản lý tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho thấy, để duy trì nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn biển, cần phát huy các giá trị, hiểu được nhu cầu sử dụng dịch vụ sinh thái và thực hiện nguyên tắc người sử dụng dịch vụ phải trả tiền. Thêm vào đó, nguồn tài chính thu được từ các dịch vụ sinh thái cần được ưu tiên để tái đầu tư phục hồi hệ sinh thái của khu bảo tồn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về du lịch cộng đồng trong phát triển du lịch nông thôn, kết hợp di sản với cảnh quan bản địa trong các dự án du lịch nông thôn, vai trò của ẩm thực, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đối với phát triển du lịch, khai thác du lịch tri thức, tác động của các mô hình homestay đối với du lịch, phát triển du lịch y tế cho người già, và vai trò của các khách sạn trong du lịch bền vững.
Sau thời gian hội thảo, các đại biểu đã thực hiện nghiên cứu thực địa tại khu Dự trữ sinh quyền Cù Lao Chàm.