Thứ hai 21/04/2025 13:15

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư

Ngày 30/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều điểm chưa phù hợp và đưa ra khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.  

Chính sách không còn phù hợp

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho rằng: Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam hiện khá dàn trải và theo chiều rộng, bao gồm cả địa bàn, ngành nghề, quy mô doanh nghiệp… Cho đến nay, cũng chưa có đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong xu hướng kinh tế mới, việc thu hút đầu tư theo chiều rộng không còn phù hợp và hiệu quả nữa mà cần có hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư mới.

Hội thảo “Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam”

Từ trường hợp cụ thể tỉnh Bắc Giang, ông Đinh Trọng Thắng- Trưởng Ban Chính sách Đầu tư CIEM phân tích: Bắc Giang định hướng thu hút đầu tư là giải pháp then chốt để nâng cao tốc độ phát triển kinh tế; ưu tiên phát triển công nghiệp… Tỉnh cũng đã có nghị quyết của Tỉnh uỷ đặt mục tiêu về đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả, giá trị nộp ngân sách nhà nước từ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng từ 547 tỷ đồng năm 2010 lên 1.569,3 tỷ đồng năm 2017. Đã thu hút được nhiều dự án vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, hiệu quả ưu đãi đầu tư của Bắc Giang đạt được không cao, không tương xứng với những ưu đãi DN đã được hưởng. Các dự án được chấp nhận vẫn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, rất ít dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; quy mô vốn của dự án nhỏ, dự án của doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ dưới 20 tỷ đồng, dự án FDI dưới 2 triệu USD. Quan trọng hơn, có sự không bình đẳng giữa khối DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đơn cử, chi phí ưu đãi thuế của DN trong nước là 48,2 tỷ đồng, tương đương với 24,6% tổng số thuế phải nộp nhưng chi phí ưu đãi thuế của DN FDI lên tới 545,9 tỷ đồng, tương đương với 71,7% tổng số thuế phải nộp.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Thắng không chỉ đúng với trường hợp Bắc Giang mà còn phù hợp chung với thực trạng hiệu quả chính sách ưu đãi của cả nước. Theo đó, về mặt thiết kế chính sách, chưa có sự nhất quán giữa các mục tiêu và thực hiện; chính sách đưa ra cho toàn bộ các tỉnh, thành phố, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương; chính sách ưu đãi phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản luật pháp khác nhau.

Về mặt thực hiện, các cơ quan quản lý không theo dõi sát sao quá trình thực hiện chính sách; không có đánh giá chi phí lợi ích và tác động của chính sách; thủ tục ưu đãi chưa minh bạch…

Cải thiện môi trường đầu tư

Nói về tình trạng lạc hậu của các chính sách ưu đãi, ông Lê Thuỷ Trung- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: Chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay được xây dựng trên Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Thời điểm đó, nền kinh tế đang rất cần vốn và công nghệ nên có chính sách thu hút đầu tư với ưu đãi rất cao.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam

Tuy nhiên thời điểm hiện tại, tình hình phát triển của nền kinh tế đã rất khác, do đó các chính sách ưu đãi đầu tư không còn phù hợp và không đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, việc kiểm soát thực hiện các chính sách ưu đãi cũng không được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là trong vấn đề chuyển giao công nghệ.

Dựa trên định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, sửa đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, luật đặc khu, trong đó vẫn ưu tiên cho một số ngành công nghiệp mũi nhọn.

Bày tỏ quan điểm về chính sách ưu đãi đầu tư mới, ông Đinh Trọng Thắng cho rằng: Cần xác định các ngành nghề ưu tiên, mục tiêu nhằm định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động; chỉ ưu đãi khuyến khích những gì mà Việt Nam thực sự cần và không làm được; giảm sự phụ thuộc vào khối kinh tế nhà nước. Chuyển từ thu hút đầu tư dựa trên lợi thế sẵn có sang thu hút đầu tư theo mong muốn bằng cách tạo ra những lợi thế về lao động, hạ tầng, môi trường kinh doanh tương ứng và phù hợp; ưu đãi cho các DN theo hiệu quả kinh doanh….

Đại diện CIEM đề xuất: Cần thiết kế chính sách nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư và chính sách thu hút đầu tư; nhất quán giữa mục tiêu đầu tư và biện pháp thực hiện; tạo khung chính sách chung cho phép địa phương chủ động hơn trong các chính sách ưu đãi phù hợp với nhu cầu. Tổ chức theo dõi quá trình thực hiện ưu đãi; minh bạch hoá các ưu đãi, thủ tục nhận được ưu đãi; thực hiện đánh giá tác động của ưu đãi…

“Cải thiện môi trường đầu tư mới là điểm cốt lõi trong chính sách thu hút đầu tư hiện nay chứ không phải các cơ chế ưu đãi”, ông Đinh Trọng Thắng nhấn mạnh.

Việt Nga

Tin cùng chuyên mục