Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung nội dung về quản lý chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Nền tảng công nghiệp phụ trợ tại miền Trung hiện vẫn còn yếu
Ngày 17/12, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung”.
Ông Lê Thế Chữ - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, tính đến cuối tháng 9/2022, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã thu hút 1.759 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28,23 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 572 dự án. Tổng vốn đăng ký gần 7,6 tỉ USD. Xu hướng phát triển công nghiệp không còn tập trung tại vài tỉnh mà đã lan rộng toàn miền.
Bên cạnh nhiều dự án FDI quy mô hàng trăm triệu USD được đầu tư vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các doanh nghiệp trong nước cũng không kém cạnh khi liên tiếp rót vốn hàng ngàn tỉ đồng vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư khác cả trong và ngoài nước đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu vực này. Đây cũng là điểm sáng của khu vực trong thu hút đầu tư hậu COVID-19.
Hội thảo Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung |
Miền Trung có nhiều thế tự nhiên do vị trí địa lý mang lại, có nhiều cảng nước sâu và các ngành công nghiệp dựa vào cảng biển có cơ hội phát triển như lọc hóa dầu, đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp nặng, công nghiệp ôtô. Những sản phẩm công nghiệp từ miền Trung đã xuất đi khắp thế giới, mang về hàng tỉ USD cho đất nước/năm. Trong số đó, có nhiều sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ ngày càng cao. Một số doanh nghiệp "đầu đàn" khi vào khu vực đã kéo theo các nhà thầu phụ, dần tạo sự phát triển lan tỏa. Hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, nhà thầu phụ mọc lên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lớn đều chung nhận định rằng nền tảng công nghiệp phụ trợ tại miền Trung hiện vẫn còn quá yếu để đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt trong các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, chưa tạo được hệ thống cung ứng đủ mạnh.
Việc thiếu hụt chuỗi cung ứng làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nhà máy sản xuất bảng mạch, thiết bị điện tử miền Trung đều phụ thuộc nặng nề vào chuỗi cung ứng ở các trung tâm công nghiệp hai đầu Bắc - Nam hoặc nước ngoài.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, liên kết phát triển công nghiệp miền Trung là vấn đề được đặt ra từ lâu, đã đang triển khai thực hiện quyết liệt nhưng trên thực tế thì hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết liên kết phát triển công nghiệp miền Trung hiện vẫn chưa đạt được như kỳ vọng |
"Miền Trung đã làm được rất nhiều trong liên kết phát triển du lịch, đã xây dựng được thương hiệu con đường di sản, còn liên kết về công nghiệp vẫn đang là vấn đề các địa phương đau đáu mong mỏi", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói. Chính vì thế, phát triển công nghiệp miền Trung trong vấn đề liên kết trong nội vùng như thế nào, giữa vùng Miền Trung với các khu vực trọng điểm phía Bắc và phía Nam hay trong 1 tỉnh, giữa các Khu công nghiệp ra sao… cần sự chia sẻ của các chuyên gia, đại biểu, các nhà khoa học.
Thí điểm mô hình liên kết cụm ngành
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp ngành công nghiệp đã cùng bàn luận xoay quanh câu chuyện phát triển mạng lưới công nghiệp ở miền Trung.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp tham dự hội thảo |
Trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Khu kinh tế mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam là một trong những trung tâm phát triển lớn của vùng và có tiềm năng trở thành trung tâm để phát triển một khu vực liên kết các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, chế biến theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ vậy, Quảng Nam – Đà Nẵng – Quảng Ngãi hoàn toàn có tiềm năng để hình thành mô hình liên kết phát triển công nghiệp sản xuất kim loại – cơ khí – công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lợi thế cạnh tranh về ngành thép của Quảng Ngãi, ngành cơ khí của Quảng Nam và hệ thống khu công nghệ cao, khu công nghiệp và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.
Khu kinh tế mở Chu Lai có tiềm năng trở thành trung tâm để phát triển một khu vực liên kết các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, chế biến theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Về sự cần thiết có cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam Đặng Bá Dự cho rằng, đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai sau khi được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện để tổ chức thực hiện mô hình liên kết cụm ngành thuận lợi, rút ra kinh nghiệm để áp dụng nhân rộng cho các mô hình liên kết cụm ngành khác trên cả nước.
Ngoài ra, đây còn là cơ sở để Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn, không còn dàn trãi, khó tiếp cận, hiệu quả thấp như các chính sách đã ban hành trong thời gian vừa qua. Đề án cũng làm căn cứ để tỉnh Quảng Nam ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm hội tụ các cơ chế chính sách để thúc đẩy hình hành cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí điển hình, mẫu mực của tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong vùng.
Ông Trần Bá Dương cam kết sẽ thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung |
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã chia sẻ về mô hình, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Dương, để phát triển được ngành "công nghiệp xương sống" này cần sự bền bỉ, chịu khó, quyết tâm, làm từng bước một, chứ không thể vượt cấp để đòi hỏi phát triển một cách nhanh chóng. Ông Dương cũng cam kết sẽ đồng hành, cam kết thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung với mong muốn THACO sẽ là đơn vị hạt nhân, đầu mối để liên kết phát triển công nghiệp của vùng.