Cách nào “hạ nhiệt” giá phân bón? Giá phân bón tăng cao và kịch bản cho Việt Nam |
Giá phân bón bắt đầu nhích lên từ năm 2020 và hiện ở mức cao nhất trong vòng 50 năm qua, nguyên nhân chính do giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt. Vậy, đâu là giải pháp "hạ nhiệt" thị trường phân bón?
Giá "chạm ngưỡng chịu đựng"
Người nông dân đã "chạm ngưỡng chịu đựng" vì giá phân bón tăng cao - đó là chia sẻ của ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền. Ông Đông cho biết, giá nguyên liệu phân bón tăng cao dẫn tới giá phân bón trong nước cũng tăng cao, bất chấp nỗ lực kiềm chế của các doanh nghiệp.
Tháng 5 - 6 là mùa cao điểm tiêu thụ phân bón bởi đây là thời điểm bắt đầu mùa mưa, vào vụ trồng trọt của nhiều loại cây, nhu cầu chăm bón cho các vườn cây ăn trái cũng như cây lâu năm tăng. Tại thị trường Nam bộ, giá phân bón hiện vẫn duy trì ở mức cao: Phân urê khoảng 16.000 - 16.500 đồng/kg, phân kali 18.000 đồng/kg, phân DAP từ 22.000 - 26.500 đồng/kg.
Doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực kìm giá phân bón |
Chi phí cho phân bón chiếm khoảng 40% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hòa là người dân trồng ổi tại xã Tân Việt - huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, gia đình ông canh tác gần 10 mẫu ổi. Những năm trước, tiền phân bón các loại trung bình hết tầm 6 triệu trên một mẫu ổi. Nhưng hơn một năm trở lại đây giá phân bón đã tăng lên gấp đôi. Trong khi giá ổi bán ra vẫn thế, thậm chí còn thấp hơn do lượng hoa quả dư thừa trong nước do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Năm 2021 sau khi trừ chi phí, cả năm ông chỉ thu lãi về hơn 40 triệu đồng. Con số này chỉ bằng 1/3 so với những năm trước.
Theo ghi nhận, tại cả huyện Thanh Hà, người dân trồng ổi và vải thiều - hai loại nông sản chủ lực của huyện này đang "ngao ngán" khi nghĩ tới chuyện mua phân bón bởi nếu phân bón tiếp tục tăng, sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí là lỗ.
Nỗ lực kìm giá phân bón trong nước
Do tác động kép của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine, các nguồn cung vật tư nguyên liệu đứt gãy trên toàn cầu, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng phi mã.
Ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty CP DAP-VINACHEM - cho biết, từ đầu năm đến nay, giá lưu huỳnh đã tăng hơn 85,3% (từ 286 USD/tấn lên 530 USD/tấn. Giá NH3 (amoniac) tăng 36,8% (từ 866 USD/tấn lên 1.185 USD/ tấn), tương đương với mức tăng 319 USD/tấn. Nếu tính từ cuối năm 2020, giá NH3 đã tăng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, giá than cũng tăng 30,7%, tương đương 570.000 đồng/tấn; giá dầu FO sấy nguyên liệu tăng 33,8%; giá cước vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao… Giá quặng apatit tuyển cũng tăng rất mạnh, từ 1.045.000 đồng/tấn (tháng 5/2021) lên 1.450.000 đồng/tấn (tháng 4/2022), tương ứng 38,8%.
Các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản phẩm phân bón tăng rất cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hiện nay đều không muốn tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Theo ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, thực tế giá nguyên liệu đầu vào đã tăng trung bình khoảng 70-80%, nhưng giá các mặt hàng phân bón của công ty chỉ tăng trung bình 15-20%.
Đề nghị chịu thuế để giảm giá thành
Trong bối cảnh giá phân bón trong nước tăng cao, các chuyên gia và các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng, vấn đề có tính chất cơ bản và lâu dài cần được "gỡ" từ năm 2015 đến nay đó chính là kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế số 71) theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng chịu thuế GTGT.
Hiện nay, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
Việc phải hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%.
Mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng. Con số này đã lên tới 4.500 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Tương tự, con số này với Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ông PHÙNG HÀ - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Sửa Luật thuế 71 sẽ mang lại ý nghĩa tích cực: Tạo sân chơi công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu; đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón chất lượng cao, thế hệ mới... |