Nhiều công trình thủy lợi ở Tây Nguyên gần như khô kiệt |
Tại hội nghị “Ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL” diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đang trải qua đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử. Lượng mưa tại ĐBSCL giảm 20 - 30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mekong chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%. Trong tháng 1 và 2, thủy triều dâng cao hơn bình thường nhiều năm nên xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền, nhiều nơi vào sâu tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15-20 km. Theo thống kê, đến nay có 160.000 ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, diện tích không thể làm được vụ hè thu hoặc phải thay đổi thời vụ, lùi lại chờ mưa khoảng 500.000 ha, tương đương 1/3 diện tích lúa của ĐBSCL.
Trong khi đó, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng đang “oằn mình” chống hạn. Tại Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần Khánh Hòa có tổng số 23.000 ha diện tích khuyến cáo nông dân không gieo cấy. Nhiều hồ chứa ở Tây Nguyên đã cạn trơ đáy, hàng chục ngàn hộ dân đang đối mặt với cơn khát khốc liệt nhất trong lịch sử.
Ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, dung tích các hồ chứa trên địa bàn chỉ còn khoảng 25% lượng nước so với thiết kế, tương ứng với 50 triệu m3. Hiện đã có 2 hồ chứa cạn hết nguồn nước. Nếu thời tiết cứ kéo dài như hiện nay thì chỉ 2 tháng nữa là toàn bộ 20 hồ chứa nước trên địa bàn sẽ cạn. Vụ đông xuân năm 2016, cả tỉnh có 6.000 ha đất nông nghiệp không có nước sản xuất, dự báo vụ hè thu tới sẽ có 10.000 ha sẽ phải dừng không sản xuất.
Trước tình hình phức tạp của hạn, mặn, Chính phủ cũng đã cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt, hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống cho vụ sau. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt…. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chất tình thế, muốn phát triển lâu dài và bền vững trước xu thế biến đổi khí hậu ngày càng rõ, cần thực thi các biện pháp dài hạn và đồng bộ, không chỉ là việc điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ, chọn loại cây – con phù hợp, chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp mà còn xây dựng các công trình trữ nước ngọt cho kế hoạch lâu dài, bền vững…
Tại Hội nghị, các đối tác phát triển và nhà tài trợ quốc tế đều cho rằng, ngoài các giải pháp trước mắt, Việt Nam cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm để có nền nông nghiệp thông minh song song với áp dụng các giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn, mặn. Đại diện Văn phòng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những giống lúa ngắn ngày, đạt chất lượng, chịu được mặn để đưa vào vụ đông xuân. Bên cạnh đó, cần xác định vùng nào cần thu hoạch sớm để dùng giống ngắn ngày, nên áp dụng sản xuất 2 vụ giống ngắn ngày thay vì 3 vụ dài ngày như trước đây. Ngoài ra, cần có biện pháp quản lý nước hiệu quả.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam: Các đối tác quốc tế và nhà tài trợ sẽ chung tay hỗ trợ Việt Nam ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó, ưu tiên các dự án quản lý sử dụng tài nguyên nước mang tầm chiến lược và có hiệu quả lâu dài. |