Quần thể danh thắng Tràng An: Biểu tượng di sản thế giới Hội nghị quốc tế phát huy giá trị UNESCO tại Ninh Bình: Tìm giải pháp cho phát triển bền vững |
Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” do tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức. Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo 11 tỉnh/ thành phố có danh hiệu UNESCO của Việt Nam, cùng hơn 200 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Bùi Mạnh |
Hội nghị nhằm đánh giá một cách toàn diện, tổng thể và tổng kết các kinh nghiệm phát huy tất cả các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và được Lãnh đạo Tổ chức UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả các danh hiệu UNESCO tại một quốc gia, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, thúc đẩy giáo dục và khoa học ở các tầng nấc khác nhau.
Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Bùi Mạnh |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Là địa phương lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014.
Nhận thức rõ những giá trị đó là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững, tỉnh Ninh Bình quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển “Xanh và Bền vững”. Đặc biệt, Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Ninh Bình mong nhận được chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới...”- ông Ngọc nhấn mạnh.
Quần thể Danh thắng Tràng An không phải là câu chuyện thành công duy nhất mà còn rất nhiều bài học kinh nghiệm khác trong việc phát huy giá trị của 57 danh hiệu đến nay đã được UNESCO công nhận nhằm phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Một số địa phương đã được UNESCO đánh giá rất tốt trong việc trùng tu, bảo tồn như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An (Quảng Nam); cũng như tiến bộ trong công tác khảo cổ học phát lộ ra nhiều di tích quan trọng tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); việc thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững thông qua các Công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông…
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định:Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội. Ảnh Bùi Mạnh |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
“Hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận, gắn với phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững”- ông Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 9/2022, trong chuyến thăm tại Tràng An (Ninh Bình) bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đã bày tỏ tình cảm và ấn tượng rất tốt đẹp về Quần thể Danh thắng Tràng An - một di sản văn hóa và thiên nhiên có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với bảo tồn thiên nhiên, gắn kết vai trò của phụ nữ vào di sản, tìm ra sinh kế cho người dân từ di sản. Theo Tổng Giám đốc UNESCO, câu chuyện thành công của Tràng An – Ninh Bình đã truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên khác.
Chủ tịch UBQG UNESCO Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh Bùi Mạnh |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các tỉnh, thành có di sản được UNESCO công nhận đã cùng nhau chia sẻ về thực tiễn phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tiếp đó, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, như: Ủy ban Quốc gia UNESCO Vương quốc Anh; Viện học tập suốt đời UNESCO; Ban Di sản tư liệu của UNESCO; Ủy ban quốc gia UNESCO Thái Lan, đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững của các di sản trên thế giới.
Phần cuối của hội nghị, các đại biểu đã bàn về giải pháp huy động nguồn lực trong phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.