Vừa qua, phía Trung Quốc ra thông báo tạm ngừng thông quan với một số mặt hàng, trong đó có tôm hùm nên không được xuất khẩu, phải quay đầu bán nội địa với giá rẻ. Nguyên nhân do tôm hùm là loại thực phẩm sống, nếu để quá 1 tuần tôm sẽ chết, phát sinh nhiều chi phí, gây tổn thất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc quay đầu về chuyển sang bán trong nội địa sẽ là cách để bảo toàn nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Trước tình trạng này, nhiều tiểu thương bán trực tiếp và những shop online đã lên đăng lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng hỗ trợ “giải cứu” hàng tấn tôm hùm xanh. Qua khảo sát, trên các chợ mạng, loại tôm hùm loại 200-300 gram/con được bán giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, loại 350-400 gram/con đang được rao bán với mức giá khoảng 560.000 đồng/kg, loại 700-900 gram/con rao bán khoảng 750.000 đồng/kg dù giá nhập tại vựa lên đến hơn 1,5 triệu đồng/kg. Đây được xem là mức giá thấp nhất trong khoảng 1 năm qua.
Tôm hùm được bán với giá rẻ để "giải cứu" giúp các đơn vị xuất khẩu ở Hà Nội |
Chi Hà Hoàng, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh hải sản tươi sống tại Hà Nội chia sẻ, do phía Trung Quốc tạm ngừng thông quan đối với một số mặt hàng, trong đó có tôm hùm nên một số xe hàng không xuất khẩu được, quay đầu bán nội địa với giá rẻ. Thời gian này, mỗi ngày, các cửa hàng của chị tiêu thụ trực tiếp từ 4 - 5 tấn tôm hùm các loại, cả bán lẻ và đổ cho khách buôn với giá từ 670.000 đồng/kg, loại 300 - 400gr/con. Ngoài ra, cửa hàng cũng đăng "giải cứu" tôm hùm lên mạng xã hội và cũng đã tiêu thụ qua các mối buôn số lượng đến hàng tấn về bán lẻ với giá từ 670.000-850.000đồng/kg.
Chỉ trong vài ngày, bên cửa hàng bán hết gần 15 tấn tôm hùm. Trong khi đó, trước Tết, trên thị trường, tôm hùm loại 300 - 400gr/con được bán với giá khoảng 1 - 1,3 triệu đồng/kg – chị Hà Hoàng cho biết.
Tương tự, một đầu mối bán hải sản tươi sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết, đợt này “giải cứu” tôm hùm nên ngoài hải sản tươi, cửa hàng còn bán tôm hùm ngộp size 4 - 5 con/kg với giá 300.000 đồng/kg; size 3 con/kg có giá 350.000 đồng/kg và size 2 con/kg còn 400.000 đồng/kg. “Giá rẻ hơn nên nhiều khách hàng hỏi và mua về cho gia đình ăn thử. Cửa hàng cũng tặng kèm nước chấm và hỗ trợ chuyển hàng cho khách” – đại diện cửa hàng chia sẻ.
Có thể thấy, giá tôm hùm giảm mạnh nên lượng tiêu thụ đợt này trong nước tăng cao. Chia sẻ của đại diện một hệ thống cửa hàng hải sản khác ở Hà Nội cũng cho biết họ đã bán được hơn chục tấn tôm hùm trong 3 ngày với giá 710.000 đồng/kg. Một chuỗi cửa hàng hải sản ở Yên Bái cũng đăng lên mạng bán hơn 5 tấn tôm hùm giá 750.000 đồng/kg trong 2 ngày, thêm vào đó là hỗ trợ ship cho khách hàng. Còn tại các vựa, hiện giá tôm hùm đang dao động 850.000 đồng - 1,4 triệu đồng/kg, giảm khoảng 15% so với tháng trước đó.
Nhiều tiểu thương, nhà hàng hải sản cũng phải đăng lên mạng xã hội để kêu gọi nhờ "giải cứu" |
Bên cạnh các cửa hàng hải sản tươi sống đăng bán trên mạng xã hội, nhiều chuỗi nhà hàng, kinh doanh ăn uống cũng chạy những chương trình “giải cứu” tôm hùm hỗ trợ doanh nghiệp. Anh Phạm Tuấn Vũ – chủ quán buffet lẩu nướng hải sản ở quận Thanh Xuân cho biết, vừa rồi nhà hàng có nhập được lô tôm hùm xanh “giải cứu” size 290-350 gam giá 750.000/kg và ốc hương “giải cứu” giảm còn 270k/kg nên đã chạy chương trình buffet phục vụ khách hàng. Vì là hàng “giải cứu” nên số lượng không cố định, hàng có thể hết hoặc về giá cũ khi các mặt hàng thuỷ hải sản này được thông quan trở lại.
Theo đại diện doanh nghiệp có lô tôm hùm xuất sang Trung Quốc với giá chỉ 550.000-650.000 đồng/kg, doanh nghiệp phải chịu thua lỗ hàng trăm triệu. Nếu nằm chờ thêm sẽ lỗ nặng. Tôm hùm là mặt hàng khó bảo quản lâu, nên quá một tuần tôm sẽ chết, phát sinh nhiều chi phí.
Báo cáo của Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, 4 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gồm: Quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Tân Thanh, Chi Ma đã thông quan hàng hóa trở lại. Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh đã thông quan hàng hóa xuất khẩu từ ngày 3/2/2022.
Tuy nhiên, thời điểm này, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu, vì vậy, thời gian thực hiện thông quan 1 xe hàng kéo dài (40 – 50 phút/xe), do đó, năng lực thông quan thấp, chỉ đạt khoảng 100 – 130 xe/ngày.
Trong khi lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên khu vực cửa khẩu chờ xuất có xu hướng tăng, trung bình từ 160 – 180 xe/ngày. Chính vì vấn đề thông quan cửa khẩu không thuận lợi nên tôm hùm xuất khẩu đã phải "quay đầu" do không bảo quản được lâu.
Bên cạnh đó, hiện nay, phía Trung Quốc càng ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, vì vậy, cơ quan Hải quan Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, tư thương cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc.