Ngành xi măng kỳ vọng “sáng” hơn nhờ đầu tư công Xi măng Long Sơn: Xây dựng thương hiệu từ những giá trị bền vững |
Khó khăn kép về tiêu thụ
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), giai đoạn này, ngành xi măng vẫn phải chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Bên cạnh đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023...
Bước sang quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ảnh Đức Thanh |
PGS.TS. Lương Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ rõ: Yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.
2 năm qua, tiêu thụ xi măng ở trong nước đã tăng trưởng âm. VNCA, Bộ Xây dựng từ năm ngoái đến nay đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ có giải pháp gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, mục tiêu để tăng lượng tiêu thụ.
Đơn cử như, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn là doanh nghiệp mạnh ở phía Bắc quý I/2024 doanh thu của doanh nghiệp giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, với 690 tỷ đồng, lợi nhuận âm gần 49 tỷ đồng.
4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu clinker, xi măng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 4,6%, nhưng giá xuất khẩu thấp nên ngoại tệ thu về đạt 417 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
VNCA nhìn nhận, xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam trong năm nay vẫn tiếp tục gặp khó. Bởi nơi nhập khẩu lớn nhất trong những năm gần đây là Trung Quốc những thị trường bất động sản nước này cũng chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, ngày chính xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi…
Thực tế, tiêu thụ sản phẩm xi măng giảm sâu cả trong nước và xuất khẩu kéo dài đã và đang gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp xi măng và phải đối diện với nguy cơ phá sản.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Hiện sản lượng xi măng trong nước sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60 - 62 triệu tấn nên kênh xuất khẩu vẫn được các doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm giải quyết được sản lượng khoảng 30 triệu tấn.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Chính phủ có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng.
Theo đó, VNCA kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai hoặc đề nghị Chính phủ cho xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát.
Một kênh tiêu thụ xi măng nữa được VNCA chỉ ra, để nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình đường giao thông, cần sử dụng công cụ gia cố nền đường bằng xi măng - đất, thay cho công nghệ truyền thống. Công nghệ này được châu Âu, Mỹ sử dụng hàng trăm năm trước và hiện vẫn đang được sử dụng.
Theo các doanh nghiệp xi măng, việc gia cố nền đường bằng xi măng - đất cho phép sử dụng tất cả các loại đất tại chỗ, mang lại độ bền cho nền đường, giảm độ thấm/hút nước, phân bố tải trọng đều hơn, tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì cho công trình.
Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu giải pháp, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đang tìm nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, trong tháng 5, dự báo sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa sẽ tăng do trong mùa xây dựng. Đây là tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng tạo sức bật trong sản xuất, tiêu thụ xi măng.
Ngoài ra, để khơi thông cho kênh xuất khẩu, VNCA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, đề xuất giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker hai năm tới là 5% và được khấu trừ VAT.
Bên cạnh đó, để khắc phục căn bản chênh lệch cung - cầu xi măng, cần có giải pháp mang tầm nhìn dài hạn. VNCA cho hay, sản xuất xi măng gắn liền với tài nguyên khoáng sản; trong đó có đá vôi, là nguồn tài nguyên không tái tạo. Do vậy, việc xây dựng các nhà máy xi măng đi kèm với xác định các mỏ khoáng sản và quy hoạch các loại khoáng sản, tài nguyên liên quan.
Theo đó, cần dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng với tầm nhìn 10 năm, 20 năm làm căn cứ xác định quy mô sản xuất, giúp cân đối phù hợp giữa cung và cầu.
Bước sang quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024. |