Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - cho hay, trong khoảng 15 năm qua, đã có hơn 47 triệu con gia cầm bị tiêu hủy do bệnh cúm gia cầm. Không chỉ gây bệnh dịch trên đàn gia cầm, cúm gia cầm còn ảnh hưởng đến con người. Theo đó, từ năm 2003 đến tháng 4/2014, cả nước có 127 người bị lây nhiễm cúm gia cầm; 65 người mắc bệnh đã tử vong. Từ tháng 4/2014 đến nay, cả nước không có người bị bệnh, chết vì cúm gia cầm; không có virus cúm A/H5N7 xâm nhiễm vào Việt Nam.
47 triệu vật nuôi bị tiêu hủy do bệnh cúm gia cầm trong 15 năm qua |
Trong giai đoạn 2014 đến tháng 3/2019, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trung bình mỗi năm các tỉnh bố trí kinh phí mua khoảng 180 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, và khoảng 180 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Đến nay, cả nước có 17 phòng thí nghiệm đủ năng lực xét nghiệm bệnh cúm gia cầm.
Cục Thú y cũng đã phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm hàng năm. Đặc biệt là xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước đã có 6 vùng (cấp huyện) và 654 cơ sở chăn nuôi gia cầm tại 28 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ, cả nước có 70% tổng số xã phường có chăn nuôi gia cầm với trên 12 triệu hộ chăn nuôi; trong đó, có trên 70% số hộ nuôi gia cầm ở quy mô nhỏ lẻ. Do đó, việc áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gặp khó khăn hoặc không áp dụng.
Theo ông Long, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng truyền lây giữa động vật và người. Để phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”.
Mục tiêu của công tác phòng chống cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 là kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và các giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm đã đem lại hiệu quả cao trong việc phòng, chống cúm gia cầm những năm qua. Đến nay, cúm gia cầm chỉ còn ở những hộ nhỏ lẻ, không có sự lây lan sang người. Đây là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ quan trọng của các tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm riêng ở nước ta vẫn chủ yếu nhỏ lẻ trong khu dân cư, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Do vậy, nguy cơ xảy ra vấn đề dịch bệnh rất cao. Trước bối cảnh mới, Thứ trưởng đề nghị các bộ ngành, các tỉnh thành với trách nhiệm trong phòng chống dịch tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa trên cơ sở triển khai quyết liệt hơn về kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đồng thời, mong muốn, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và cúm gia cầm nói riêng.