Đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương |
Cần tiêu chí cụ thể
Thảo luận tại tổ ngày 22/10 về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với các tờ trình về cơ chế, chính sách đặc thù đối với 4 tỉnh. Quá trình chuẩn bị chính sách đặc thù cho 4 tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có cơ sở thực tiễn cao.
Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi cao, có tác dụng lan tỏa vùng miền, đề cao tính tự lực, tự cường, sáng tạo, năng động của từng địa phương. Việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, sẽ tạo cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để các địa phương phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế |
Là đại biểu Quốc hội Đoàn Thanh Hóa, đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu nhiều lý do về lợi thế, tiềm năng của tỉnh này trong việc phát triển kinh tế như du lịch, có khu công nghiệp lớn trọng điểm của cả nước... từ đó đề nghị các đại biểu Quốc hội, Quốc hội quan tâm cũng như có cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa phát triển.
“Tôi thấy hoạt động tại cảng Nghi Sơn và Khu công nghiệp Nghi Sơn rất năng động, thu hút rất nhiều dự án FDI, ví dụ Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn mà theo công suất hiện nay là có thể đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ở trong nước. Nguồn thu xuất nhập khẩu qua cảng cũng rất lớn. Nếu có cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế Nghi Sơn” - đại biểu Hùng chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai hy vọng, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ủng hộ cơ chế đặc thù về đất đai, song ông Long băn khoăn về tác động của chính sách trong thời gian dài chứ không chỉ trong 5 năm thí điểm. “Ví dụ việc chuyển đổi đất rừng tác động thế nào đến môi trường thì trong 5 năm khó có thể đánh giá được. Vì vậy, cơ chế về đất đai, đặc biệt đất rừng, cần đánh giá kỹ hơn”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để tạo cơ chế đột phá cho các địa phương phát triển, song cần có tiêu chí cụ thể lý do vì sao chọn các tỉnh, thành phố lần này để chọn làm thí điểm. Trên cơ sở đó, đại biểu bày tỏ nhất trí với việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đối với tỉnh Thanh Hóa nhờ những tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, trong đó HĐND TP. Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án… Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần có quy định cụ thể về các loại phí và lệ phí liên quan đến lợi ích của người dân cho phù hợp.
Tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn TP. Hà Nội cũng bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội sẽ ban hành 4 nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, song cần làm rõ hơn các đặc thù, lợi thế của từng địa phương để tạo đột phá trong phát triển. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền của địa phương thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cần có hướng giải quyết phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn TP. Hà Nội nêu, việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, cần làm rõ việc “thí điểm” như thế nào cũng như thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và việc phân quyền cho các địa phương thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù này ra sao.
Điều quan trọng hơn trong việc thí điểm này là tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.
“Hiện nay có 3 TP. Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, vậy việc áp dụng thí điểm đối với các tỉnh, thành phố lần này cần quy định thời gian thí điểm trong bao lâu để có đánh giá về hiệu quả thực hiện”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho hay.
Ở góc độ khác, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn TP. Hà Nội kiến nghị, Quốc hội không nên ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, thí điểm đặc thù, vì chỉ có Hà Nội là Thủ đô nên mới cần, còn các tỉnh thành phố khác là cần bình đẳng như nhau trong phát triển. Thay vì việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù thì đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam là một nền kinh tế phát triển trong ASEAN thì chúng ta cần đẩy mạnh cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Trong quá trình thí điểm cần hướng đến việc xây dựng cơ chế chung để áp dụng cho quy mô toàn quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn do dịch hiện nay, chúng ta không nên tạo áp lực chi phí cho người dân, đặc biệt là thông qua việc tăng thu từ người dân thông qua phí và lệ phí” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.