Sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ - một trong những doanh nghiệp được nghiên cứu tiết kiệm năng lượng bằng thiết bị quan trắc môi trường.
CôngThương - Theo Phòng Quản lý điện (Sở Công thương), hiện trạng các mặt hàng xăng dầu, khí đốt, than, điện đều phải mua để phục vụ cho các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, trong đó năng lượng điện gần như tuyệt đối. Năm 2012, điện năng tiêu thụ của thành phố hơn 1,6 tỷ kWh. Công suất phụ tải Đà Nẵng năm 2013 vào khoảng 260 MW và 11 tháng đầu năm 2013 tiêu thụ trên 1,7 tỷ kWh. Việc sử dụng năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn điện quốc gia, nhưng nguồn điện này trong tình trạng thiếu hụt (vào mùa khô và trong tương lai) so với nhu cầu phụ tải điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Do đó, vấn đề TKNL của Đà Nẵng phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Minoru Hirao, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang trên đà phát triển kinh tế, lượng điện tiêu thụ đang ngày càng khó khăn, ô nhiễm môi trường đặt ra nhiều thách thức. Ai cũng thấy tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng nhưng làm thế nào để có những giải pháp hiệu quả nhất. “Thông qua phương pháp trắc quan đơn giản (chủ yếu dùng dụng cụ cảm biến đo lường) mà chúng tôi sử dụng, đây là phương pháp mới, tiện lợi và không tốn nhiều chi phí giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm một số tiền rất lớn. Tất nhiên, mục đích của chúng tôi đầu tư không phải là tiết kiệm sinh lời cho doanh nghiệp (DN) mà mục tiêu chính là bảo vệ môi trường và tuyên truyền về môi trường cho Đà Nẵng”, ông Minoru Hirao nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu ban đầu tại 10 doanh nghiệp, công trình trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, các đơn vị này đã tiến hành một số biện pháp TKNL như quản lý nhiệt độ của máy điều hòa và lắp đặt hệ thống đèn LED. Tuy nhiên, nhiều lợi ích khác từ việc TKNL vẫn chưa được quan tâm như quản lý đốt chất oxy hóa và quản lý nhiệt độ không khí bằng thiết bị quan trắc. Từ 10 đơn vị này, Sở Công thương Đà Nẵng sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các nhà máy khác trên toàn địa bàn tham gia.
Ông Shunsuke Hieda, Quản lý nhóm nghiên cứu, khẳng định: “Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế chính sách TKNL cho các DN của Việt Nam và tuân thủ các yêu cầu về môi trường. Nếu thành công sẽ cho kết quả trong hai năm sau, đây là khởi đầu cho những bước tiếp theo. Điều quan trọng chúng ta phải thực hiện trước mắt là trên cơ sở sử dụng phương pháp trắc quan đơn giản để đánh giá thiết bị của chúng ta có tiết kiệm năng lượng hay không, và cần thay đổi những thiết bị đã quá cũ.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, cụ thể là thành phố Yokohama đã xây dựng các chính sách cơ bản bằng các biện pháp TKNL và tiết kiệm điện ở các cơ quan Nhà nước, trong dự thảo kế hoạch, các công ty tư vấn đề xuất giải pháp để đẩy mạnh việc TKNL vì một thành phố thân thiện với môi trường sinh thái Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết cách triển khai trên phù hợp với thành phố Đà Nẵng. Mặc dù phương pháp trắc quan chưa hoàn thiện về tổng thể nhưng trước mắt đáp ứng được nhu cầu cần làm của doanh nghiệp. Sở cũng kỳ vọng các đơn vị tư vấn và các tổ chức hỗ trợ sớm hoàn thiện các bước tiến hành để có thể nhân rộng chương trình trong những năm tiếp theo.