Một hướng đi đúng đắn
Sau khi thí điểm OCOP thành công tại Quảng Ninh (triển khai từ tháng 3/2017), ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai OCOP trên toàn quốc. Đến nay, 63/63 tỉnh thành đã triển khai, trong đó 59/63 tỉnh, thành đã tổ chức đánh giá, công nhận 4.469 sản phẩm OCOP, với 98,3% sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh. Đã có 2.430 tổ chức kinh tế sản xuất sản phẩm OCOP đạt sao (khu vực tư nhân chiếm 59%), với các sản phẩm đa dạng từ thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm… đến nội thất trang trí, du lịch. Chất lượng, bao bì sản phẩm OCOP ngày càng phong phú, đa dạng. Một số địa phương đã có sản phẩm OCOP sản lượng lớn, có sức cạnh tranh, có giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế.
Bà Hoàng Thị Tân - Giám đốc HTX Tâm Trà Thái (Thái Nguyên), chia sẻ: Khi chưa tham gia OCOP, sản phẩm gần như chỉ bán cho người thân, người quen, do rất ít người biết đến. Sau khi tham gia OCOP, sản phẩm Nhất Đinh Trà và Trà Tôm Nõn của HTX đạt tiêu chuẩn 4 sao, chất lượng nâng lên, được các cấp, ngành hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tham gia hội chợ, triển lãm nên nhiều người đã biết đến. Trong năm 2020, sản phẩm trà của HTX đã có lượng khách mua rất lớn, thậm chí không có đủ hàng để cung cấp.
Trưng bày sản phẩm OCOP miền Bắc. Ảnh NQ |
Ông Lê Văn Bằng - Phó Giám đốc Công ty Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk), cho biết: Tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, công ty đã liên kết với nông dân để trồng cà phê hữu cơ, bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường. Sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP, lòng tin của người tiêu dùng tăng lên, thị trường mở rộng hơn. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm lên đạt 5 sao OCOP để ngoài tiêu thụ nội địa, sẽ xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy, sau gần 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã huy động được 22.845 tỷ đồng đầu tư phát triển, trong đó các tổ chức OCOP huy động 93%, ngân sách các cấp chiếm khoảng 7%. Trong năm 2020, dù đại dịch Covid-19 tác động khó khăn đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội, nhưng các sản phẩm OCOP vẫn được cung ứng rất tốt ra thị trường, tăng trưởng cả về doanh thu và giá bán.
Tại Hội nghị Tổng kết gần 3 năm triển khai OCOP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những thành công bước đầu OCOP đã đạt được. Đồng thời khẳng định, việc phát triển trục sản phẩm địa phương OCOP, là một hướng đi hết sức đúng đắn, phát huy sức sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế, góp phần tích cực lan tỏa Chương trình Mục tiêu xây dựng nông thôn mới về đích trước thời hạn gần 2 năm so với chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo việc làm, thu nhập, phát huy các lợi thế về bản sắc văn hóa vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch các địa phương.
Nâng cao nhận thức, hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, OCOP vẫn còn có những hạn chế. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cho rằng, sự chủ động của một số địa phương còn chậm, triển khai OCOP theo phong trào, chưa thực sự dựa vào lợi thế bản sắc văn hóa, địa lý, đặc trưng vùng miền của sản phẩm để phát triển; chưa hỗ trợ thực chất cho các chủ thể làm OCOP, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, chế biến, thương mại sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP mới chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, mà chất lượng chưa thực sự được chú trọng, qui mô sản phẩm OCOP còn khiêm tốn. Công tác xúc tiến thương mại vẫn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP. Nguồn lực đầu tư cho phát triển OCOP còn khó khăn. Vai trò của các doanh nghiệp với OCOP còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, mạnh tham gia. Năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP, hiệu quả phát triển chuỗi giá trị OCOP gắn với vùng nông nghiệp còn hạn chế.
Trải nghiệm sản phẩm OCOP Tây Nguyên. Ảnh NQ |
Nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là cơ sở nền tảng quan trọng để giữ ổn định an ninh chính trị, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy đảng, chính quyền trên cả nước. Mục tiêu đặt ra là xây dựng nông thôn mới có hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý gắn với phát triển nhanh công nghiệp, đô thị hóa nông thôn.
Khẳng định, OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, sản vật địa phương, vùng miền giàu bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, phát triển hạ tầng nông thôn, là một yếu tố quan trọng góp phần lan tỏa Chương trình Mục tiêu xây dưng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu các cấp, ngành trong hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, hiệu quả của Chương trình OCOP, đồng thời phải chủ động vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả hơn chương trình OCOP trong những năm tới.
Để phát huy hiệu quả, nhân rộng, thương mại hóa sản phẩm, phát triển bền vững Chương trình OCOP, tránh chạy theo phong trào, thành tích, tiến sỹ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm đào tạo kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ nông nghiệp II, TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh có sản phẩm OCOP phải hiểu rõ bản chất của chương trình, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ thiết thực. Các chủ thể sản xuất OCOP cũng phải chủ động nâng cao nhận thức, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng qui trình sản xuất nông nghiệp tốt, xanh, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, giữ gìn những bản sắc văn hóa vùng, miền của các sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề… Nhà nước cần hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP mở rộng thương mại hóa sản phẩm, chuẩn hóa tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá để giúp lan tỏa rộng rãi sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.