Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục được vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh
CôngThương - Theo đó, doanh nghiệp được vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, trong trường hợp doanh nghiệp vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Nhưng khi được giải ngân vốn, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31-12-2014.
Thông tư mới này nhằm thay thế Thông tư số 37/2012/TT-NHNN ngày 28-12-2012 quy định cho vay bằng ngoại tệ với người cư trú. Vì quy định cho vay ngoại tệ trong thông tư 37 để chuyển thành tiền đồng sản xuất kinh doanh sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Như vậy, đây là lần thứ hai, NHNN tạm hoãn việc hạn chế cho vay ngoại tệ để chuyển thành tiền đồng đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-NHNN có hiệu lực từ 2-5 năm ngoái. Theo thông tư này, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cho khách hàng vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay.
Thông tư mới ban hành cũng quy định việc cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, thì doanh nghiệp phải được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014. Và TCTD sẽ cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31-12-2014.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay.
Còn với việc vay ngoại tệ để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thì thông tư này chỉ cho phép TCTD cho vay đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Tuy là điều kiện vay vẫn chưa bị thu hẹp thêm, nhưng với những quy định tại thông tư 03 nói trên thì doanh nghiệp nhập khẩu không còn được vay ngoại tệ, dù là để thanh toán hay để chuyển thành tiền đồng sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, tín dụng ngoại tệ đã liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Như tại TPHCM, đến cuối tháng 11 dư nợ cho vay ngoại tệ giảm 22,1% so với cuối năm 2012, trong khi dư nợ tiền đồng tăng đến 12,1%.
Thêm vào đó, nếu như các năm trước nhiều doanh nghiệp vay đô la Mỹ đổi thành tiền đồng để sản xuất kinh doanh nên đến cuối năm thường có nhu cầu mua ngoại tệ này để trả cho ngân hàng khiến cho cầu ngoại tệ tăng đột biến, thì năm nay điều đó không còn diễn ra. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho tỷ giá ổn định trong năm nay.
Mới đây, NHNN cũng đã ra thông báo khẳng định việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá đến hết năm nay.
Lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn hiện tại ở các ngân hàng vào khoảng 4-6%/năm, trong khi lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn vào khoảng 9-11%, thì doanh nghiệp nếu có vay ngoại tệ để chuyển thành tiền đồng sẽ có lợi về lãi suất. Mức cách biệt khoảng 5 điểm phần trăm này, sẽ bù đắp cho rủi ro tỷ giá nếu có. Vì theo thông tin từ NHNN, tỷ giá năm sau cũng sẽ không biến động nhiều. Từ đầu năm 2013 đến nay, tỷ giá chỉ tăng 1%, thấp hơn mức dự báo từ đầu năm 2012 của NHNN.