Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đã được tổ chức thực hiện với sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Giai đoạn 2010-2015, Chương trình đã giao cho các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 69 nhiệm vụ với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước là 183,440 tỷ đồng; kinh phí huy động từ các nguồn khác gần 200 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các nội dung đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo tổng kết |
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã xác định các giải pháp KH&CN nhằm nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ của các mỏ; nâng cao hiệu quả chế biến, tận thu tối đa tài nguyên, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, cải thiện điều kiện làm việc, an toàn cho người lao động, làm cơ sở khoa học để các doanh nghiệp xem xét thực hiện đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến, tăng cường chế biến sâu khoáng sản. Song song với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động khoáng sản đã được rà soát, sửa đổi và ban hành giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp và quy củ hơn.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng đã phê duyệt trong Đề án; góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, giảm bệnh nghề nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản.
Tuy nhiên các đại biểu cũng đánh giá việc triển khai đề án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa đầu tư đúng mức cho đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ khai thác hầm lò còn thấp; một số sản phẩm chế tạo trong nước có giá thành cao, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ chính chưa cao; các giải pháp công nghệ được nghiên cứu, đề xuất trong nhiều trường hợp chưa được áp dụng đồng bộ, rộng rãi nên hiệu quả mang lại không cao…
Các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ghi nhận sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học vào kết quả của Đề án giai đoạn 2010-2015 và nêu lên những vấn đề tồn tại đặt ra yêu cầu cần giải quyết trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng, mục tiêu đổi mới công nghệ nhằm đưa trình độ công nghệ ngành khai khoáng đạt được cấp độ nhất định. Đầu tư cho doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp để ổn định công nghệ chính là là nền tảng để kéo theo các nghiên cứu khác. Khai khoáng là ngành công nghiệp nặng, để đổi mới và hiện đại hóa công nghệ thì với nguồn kinh phí đó vẫn còn khiêm tốn.
Để có hướng đi tiếp theo, Thứ trưởng đề nghị có đánh giá cụ thể hơn nữa, lượng hóa các vấn đề xem kết quả đạt được đến đâu. Nên xác định, đặt mục tiêu cụ thể xem chúng ta đang ở đâu và sẽ làm như thế nào để thúc đẩy, nâng cao hơn nữa trình độ công nghệ trong ngành khai khoáng. Để đạt hiệu quả cao về kinh tế, môi trường một cách đồng bộ, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học trong thời gian tới tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới, hiện đại hóa công nghiệp khai khoáng như đề cương đã được thông qua.