Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, giảm chi phí kinh doanh
Đánh giá về cải cách thể chế kinh doanh năm 2018, Tổ Công tác của Thủ tướng cho biết, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 26/12/2018, tám (8) bộ đã đơn giản, cắt giảm được 6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Điều này đã góp phần tiết kiệm cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội khoảng 11 triệu ngày công/năm (tương đương khoảng 5.407 tỷ đồng/năm).
Trong tổng số 18.820 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương, có 11.253 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành (đạt 98,1%), 7.567 chưa hoàn thành - số nhiệm vụ quá hạn của năm 2018 chiếm 1,15%, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 23,85% so với trước khi Tổ Công tác của Thủ tướng được thành lập. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đã tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng đã được khắc phục cơ bản.
Sản xuất kinh doanh năm 2018 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức |
Những chuyển động tích cực về cải cách thể chế đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giúp cho nền kinh tế năm 2018 duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Môi trường kinh doanh được cải thiện thông thoáng, thuận lợi, tác động tích cực tới xu hướng phát triển doanh nghiệp. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2018 cả nước đã có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2018 là 3.886 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trước đây đã quay trở lại hoạt động (tăng 28,6%), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nền kinh tế năm 2018 là gần 165.300 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong năm 2018, do nhiều nguyên nhân, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước vẫn khá cao, khoảng 27.126 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với năm 2017; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể lên tới 63.525 doanh nghiệp, tăng 63,4% so với năm 2017 (44.730 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và 18.975 doanh nghiệp chờ giải thể); số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 của cả nước là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Để duy trì đà tăng trưởng GDP cao, ổn định trong năm 2019 và tiếp theo, ngoài các giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế…, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương... đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh… một cách thực chất, hiệu quả hơn, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hội nhập, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.