Thực hiện nghiêm “5 không” trong phòng, chống dịch
Thông báo với Đoàn công tác, ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết, Thái Nguyên có ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng khá phát triển với 409 trang trại lợn, tổng sản lượng thịt hơi khoảng trên 155 nghìn tấn/năm.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thái Nguyên và các địa phương trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi |
Là một trong những địa phương phát hiện dịch sớm, Thái Nguyên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm kiểm soát, xử lý dịch bệnh kịp thời, tại gốc với cam kết “5 không” trong phòng, chống dịch (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyến lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt).
Cụ thể hơn, đến nay, toàn tỉnh có 4 hộ, thuộc 4 xã, 3 huyện (huyện Phú Bình 2 xã; thị xã Phổ Yên 1 xã và 1 xã tại thành phố Sông Công) có lợn mắc bệnh với số lượng buộc tiêu huỷ là 112 con (7.836kg) và tổng số lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh dịch tại các hộ liền kề có dịch, trong vùng dịch uy hiếp buộc tiêu huỷ là 258 con (17.460kg).
“Dịch bệnh tả lợn châu Phi xuất hiện ở tỉnh Thái Nguyên có tính chất rải rác, đến nay phát hiện 4 ổ dịch và trong thời gian tới dịch vẫn còn có nguy cơ phát sinh và lây lan cao” - ông Hùng nói và thông báo về công tác ứng phó, theo đó, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, công điện khẩn, kế hoạch, thông báo, quyết định thành lập đội liên ngành, thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (4 chốt cấp tỉnh, 31 chốt cấp huyện), phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở;…
Đồng thời đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại cơ sở và tổ chức các cuộc họp với Ban chỉ đạo Phòng chống bệnh động vật tỉnh, bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch.
Địa phương cũng đã tổ chức việc giám sát dịch bệnh chủ động, thực hiện lấy mẫu giám sát với tất cả đàn lợn khi có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn… nghi mắc bệnh. Thực hiện tiêu huỷ ngay toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ, áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch, như: Khử trùng tiêu độc; thông tin tuyên truyên, tập huấn; giám sát dịch vùng lân cận, giáp danh...
Mặc dù đã chủ động nhiều giải pháp phòng, chống dịch, song, theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, do điều kiện khí hậu, ẩm độ cao dễ phát sinh dịch bệnh; chăn nuôi tại tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán; công tác giám sát phát hiện, khai báo dịch bệnh gặp nhiều khó khăn; nhận thức và hợp tác của người chăn nuôi còn hạn chế... trong khi lực lượng cán bộ thú y tham gia công tác chống dịch còn mỏng… vì vậy, địa phương đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ trong chẩn đoán xác minh, xét nghiệm dịch bệnh, cử chuyên gia hỗ trợ công tác tư vấn chẩn đoán bệnh (hiện nay có một số hộ có lợn ôm, chết không rõ nguyên nhân, khó xác định nguyên nhân gây bệnh).
Ngoài ra, Thái Nguyên đề nghị được hỗ trợ vật tư, hoá chất phòng, chống dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp với tình trạng hiện nay; hướng dẫn quy định về cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh tại các cơ sở giết mổ.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Chốt kiểm dịch Cầu Ca (huyện Phú Bình), Thứ trưởng An mong muốn các lực lượng khắc phục khó khăn, tập trung cao độ đảm bảo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao |
Lãnh đạo địa phương cũng đề nghị Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lợn, xã sản phẩm từ lợn cũng như các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đồng hành cùng địa phương phòng, chống dịch
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao sự chủ động, tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Thái Nguyên.
Cho biết, tổng ngành chăn nuôi của nước ta chiếm khoảng 5% tổng GDP cả nước với lượng sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng cao, việc dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi là rất lớn, không chỉ cho riêng các tổ chức, cá nhân trực tiếp chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm sau chăn nuôi.
Chính vì vậy, cùng với các Bộ, ngành, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch…
Đến nay, đối với 21 tỉnh, thành phố đã xuất hiện dịch, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cử công chức trực 24/24 giờ tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn; đồng thời tham gia thống kê các tổ chức, cá nhân có trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ để tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cùng với các lực lượng chức năng, lực lượng Quản lý thị trường đã bám chốt 24/24h để phòng, chống dịch bệnh |
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của UBND tỉnh, thành phố. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý tiêu huỷ toàn bộ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch, trước khi tiêu huỷ, lực lượng Quản lý thị trường phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch, Thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh.
Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Với tỉnh Thái Nguyên, qua kiểm tra trực tiếp tại Chốt kiểm dịch Cầu Ca (huyện Phú Bình) và từ các báo cáo của địa phương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý, là địa phương có giao thông thuận lợi, có ngành chăn nuôi phát triển, đặc biệt lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng nhanh với số lượng du khách ngày càng tăng… cũng là những nguy cơ làm tình hình lây lan dịch bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, do những khó khăn nội tại, trong đó có khó khăn của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng auản lý thị trường, nên công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cần được địa phương quan tâm hơn bằng những giải pháp và chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn.
Thứ trưởng cũng đề nghị cùng với Bộ, ngành, các cơ quan chức năng của địa phương, cụ thể là Sở Công Thương cũng cần chủ động nắm bắt cung - cầu tiêu dùng, nhất là diễn biến tăng, giảm trên thị trường nói chung, các hộ tiêu thụ nhiều (các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể...) để kịp thời có những giải pháp điều tiết phù hợp về sản lượng, giá cả.
Về những đề nghị của địa phương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, sẽ tiếp thu và báo cáo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất để không chỉ Thái Nguyên mà các địa phương khác thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới.