Gian nan tiếp cận vốn khởi động sau dịch
Để khởi động sau dịch hầu hết doanh nghiệp (DN) từ sản xuất, xuất khẩu cho tới bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh đều cần vốn song đa phần họ vẫn chưa thể chứng minh thiệt hại do dịch bệnh gây ra hoặc không có tài sản thế chấp nên quá trình tiếp cận vốn khá gian nan.
Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - DN nhằm hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh diễn ra ngày 29/5, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Các DN ngành thực phẩm đang rất khó khăn do kinh doanh giảm, lợi nhuận giảm bởi dịch bệnh và rất cần sự hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng. Dù vậy để chứng minh doanh thu nhằm được giãn/ hoãn nợ và giảm lãi suất thì ngành thực phẩm lại không làm được bởi đây là đặc thù của ngành. “Khi cả nước chống dịch, chúng tôi cùng Thành phố đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và các DN đã lấy hết nguyên liệu dự trữ để sản xuất. Giờ nguồn nguyên liệu dự trữ kế tiếp gặp khó khăn vì một số nguyên phụ liệu tăng giá, chi phí nhập kho cũng tăng lên. Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng và mong muốn được hỗ trợ như các ngành dịch vụ… ”, bà Chi đề xuất.
Ngành bán lẻ chịu nhiều tác động từ dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội |
Trong khi đó, với ngành bán lẻ, ông Trần Lâm Hồng - Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tâm lý người dân đổ dồn vào 1 số mặt hàng nhất định, gây ra khó khăn cho hệ thống phân phối. “Nhiều người nghĩ có thể những DN bán lẻ được hưởng lợi hơn sau dịch bệnh, nhưng thực tế doanh thu chúng tôi sụt giảm 30% so với trước đây. Do yếu tố phải đảm bảo tính thiết yếu, thiết bị chống dịch nên hàng hóa tồn kho của chúng tôi đang lên tới khoảng 400 tỷ đồng và chưa biết đến bao nhiêu lâu mới giải phóng được. Vì thế, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành ngân hàng rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước”, ông Hồng trăn trở.
Tương tự, các DN dệt may tại TP. Hồ Chí Minh đang rơi vào khó khăn do đơn hàng sụt giảm tới 70-80%. Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: Để hỗ trợ cho các DN dệt may, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều chỉnh tỷ giá giảm hỗ trợ xuất khẩu; Giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2% với trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng bởi doanh thu của DN giảm rất mạnh; Hỗ trợ tỷ lệ ký quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động - do khách hàng không nhập hàng và giãn thời hạn thanh toán…
Cùng với ngành dệt may, các DN khác như vận tải, xây dựng, giáo dục, cao su… cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn hoặc xin gia hạn nợ. Các DN mong muốn phía ngân hàng sớm có giải pháp để DN được giãn thời gian trả nợ rõ ràng, đồng thời không đánh tụt xếp hạng của DN….
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ tiếp thu các ý kiến từ DN |
Sẽ tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận vốn
Trên thực tế, để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch, NHNN đã sớm ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, cho phép các NHTM được cơ cấu nợ, giãn hoặc giảm lãi suất cho vay với các DN. Và tại TP. Hồ Chí Minh, theo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tới nay các ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho DN theo Thông tư số 01 đến cuối tháng 4/2020 đạt 290.577 tỷ đồng. Dù vậy, quá trình thực hiện cho các DN tiếp cận vốn vay của ngành ngân hàng cũng gặp phải một số vướng mắc bởi nhiều DN không chứng minh được thiệt hại, không có tài sản thế chấp hoặc không đưa ra được báo cáo tài chính minh bạch…
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Vietinbank - chia sẻ, hệ thống NHTM vừa phải hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn vừa cứu mình bởi ngân hàng cũng là DN vì thế các DN khi tiếp cận vốn mà không biết mình bị thiệt hại gì thì làm sao ngân hàng chứng minh được. Cũng theo ông Dũng, Vietinbank sẽ chắt chiu mũi kim sợi chỉ để chia sẻ với DN. Dù vậy, để dòng vốn tới DN thuận lợi, ông Dũng kiến nghị DN khi giao dịch ở các ngân hàng nên nán lại hoàn thiện các hồ sơ, chứng minh ảnh hưởng bị thiệt hại để phía ngân hàng hỗ trợ.
Liên quan đến những kiến nghị, đề xuất của DN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Thông tư 01 của NHNN là NHTM được quyền luật pháp được phép cho vay - tức là trao quyền cho NHTM. Cụ thể trước đây thì không cho phép được làm thì nay cho phép NHTM được cơ cấu, không chuyển nhóm… Riêng với thời gian cơ cấu nợ tăng lên 24 tháng, ông Tú cho biết NHNN sẽ tiếp thu và xác định như thế nào cho phù hợp vì thực tế đến lúc này chưa thể nói khi nào kết thúc dịch, không nói được thiệt hại. Ngoài ra, với nhóm DN liên quan đến quan hệ tín dụng, sẽ được kéo dài thời gian trả nợ, hạ lãi suất, tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm, thanh toán LC và không giảm xếp hạng tín nhiệm DN… Tuy nhiên, DN cũng cần công khai minh bạch tài chính, dòng tiền của mình. Và muốn quản lý dòng tiền phải tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - DN năm 2020, có 12 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói tham gia chương trình với 274.450 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4/2020, thực hiện giải ngân gói tín dụng đạt 35.855 tỷ đồng đối với 4.571 khách hàng. Trong thời gian tới, để hỗ trợ DN, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho DN qua việc tổ chức ký kết vay vốn thông qua chương trình kết nối Ngân hàng – DN tại các Quận, huyện; tiếp tục xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN qua danh sách DN từ các Quận, huyện, sở, ngành gửi về. Trên cơ sở đó chỉ đạo các NHTM tiếp cận và trực tiếp tháo gỡ, giải quyết các nhu cầu về vốn, các yêu cầu về hỗ trợ DN theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. |