HĐQC là chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của nguời mua và nghĩa vụ của nguời bán, thực hiện 1 trong các nghĩa vụ mua/bán một số lượng tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai nhất định, theo mức giá đã được xác định trước, tại thời điểm trước hoặc vào một ngày được ấn định trong tương lai, hoặc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm truớc, hoặc vào một ngày nào đó trong tuơng lai.
HĐQC mua, cho phép người nắm giữ hợp đồng được phép mua một tài sản, tại một giá xác định trước vào một thời điểm nhất định. HĐQC bán, cho phép người nắm giữ hợp đồng, được phép bán một tài sản tại một giá xác định trước vào một thời điểm nhất định.
Trên thế giới, sản phẩm HĐQC đã được áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh của các nước phát triển, khá đa dạng trên các loại tài sản cơ sở từ chỉ số chứng khoán, cổ phiếu đơn lẻ, đến tiền tệ, lãi suất. Trong số 20 sản phẩm chứng khoán phái sinh thế giới đã áp dụng có tài sản cơ sở là chứng khoán được giao dịch nhiều nhất, có tới 12 sản phẩm là HĐQC.
Tại hội thảo chuyên đề về HĐQC, do HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, phối hợp với Công ty chứng khoán Yanta Việt Nam, tổ chức ở Hà Nội ngày 29/11/2019, các diễn giả khẳng định, xu thế phát triển của HĐQC trên thị trường chứng khoán phái sinh thế giới vẫn sẽ tiếp tục được tiếp nối. Theo đó, HĐQC cũng sẽ được áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Vấn đề đặt ra đối với phát triển sản phẩm mới này, là cần nghiên cứu kỹ, nắm rõ và xây dựng được các cách định giá HĐQC, cơ chế niêm yết, giao dịch, ký quỹ, bù trừ, thanh toán HĐQC... làm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn thị trường Việt Nam.
Để triển khai HĐQC trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, đại diện HNX cho rằng, các thành viên thị trường chứng khoán và các công ty chứng khoán tại Việt Nam cần phải hiểu rõ về sản phẩm. HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán… và các đơn vị có liên quan vận hành thị trường cần hỗ trợ các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán trong việc đào tạo, phổ biến kiến thức về HĐQC, giúp họ hiểu và nắm bắt được các cách thức vận hành, triển khai giao dịch… sản phẩm này.
Bà Chen Wan Yu - Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro - Công ty chứng khoán Yuanta Futures (Đài Loan, Trung Quốc), cho rằng: Đối với HĐQC, những vấn đề cần phải lưu ý đó là những biện pháp, kinh nghiệm thực tế về quản trị rủi ro. Thực tiễn thị trường chứng khoán phái sinh Đài Loan cho thấy, đã phát triển rất đa dạng các sản phẩm phái sinh, trong đó có các sản phẩm HĐQC. Những kinh nghiệm về xử lý các trường hợp rủi ro do mất thanh khoản, cơ chế phòng ngừa những lỗ hổng trong cơ chế ký quỹ... luôn được cơ quan chức năng vận hành thị trường quan tâm.
Ngoài ra, bà Chen Wan-Yu cũng lưu ý thêm, một số lỗi có thể sẽ gặp phải khi triển khai HĐQC như chỉ quan tâm đến rủi ro mất khả năng thanh toán, hoặc bỏ qua rủi ro thanh khoản, hoặc chỉ dựa trên cơ chế ký quỹ để xử lý rủi ro, chỉ để ý đến rủi ro tuyến tính, chỉ có những người thuộc bộ phận quản lý rủi ro mới quan tâm đến rủi ro... cần phải được nhận thức tốt để hạn chế việc mắc lỗi.